Dấu hiệu nhận biết sớm ung thư trực tràng

Phân lỏng lẫn máu, nhầy nhớt, mùi tanh bất thường, thay đổi thói quen đi ngoài… có thể là dấu hiệu cảnh báo sớm ung thư trực tràng.

Ung thư trực tràng là tình trạng các tế bào trong lớp niêm mạc của trực tràng phát triển ngoài tầm kiểm soát, hình thành khối u ác tính. Với ung thư trực tràng giai đoạn sớm, các tế bào ác tính chỉ nằm trong lớp niêm mạc hoặc dưới niêm mạc của trực tràng, chưa lan rộng đến lớp sâu hơn, các hạch bạch huyết lân cận và cơ quan khác.

BS.CKI Nguyễn Chí Thanh, khoa Ung Bướu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết tỷ lệ sống sót sau 5 năm ở người bệnh ung thư trực tràng giai đoạn sớm khoảng trên 90%. Tuy nhiên, ung thư trực tràng ở giai đoạn sớm thường không có triệu chứng rõ ràng, dễ nhầm với các bệnh lý tiêu hóa khác.

Bác sĩ Thanh gợi ý một số dấu hiệu dưới đây có thể giúp nhận diện sớm bệnh này.

Thay đổi tính chất, hình dạng phân: Khối u trong trực tràng chặn lại làm cho phân nhỏ, dẹt hơn bình thường. Nếu người bệnh gặp tình trạng thay đổi hình dạng phân như phân nhỏ, dẹt như chiếc bút chì hoặc có hình lá lúa… nên đến bệnh viện để được khám và xác định nguyên nhân chính xác.

Thay đổi thói quen đại tiện: Do khối u gây tắc nghẽn khiến người bệnh mắc đi đại tiện nhiều lần. Sau khi đi xong, người bệnh luôn có cảm giác như đi chưa hết phân, vẫn còn mót rặn; ngoài ra người bệnh còn dễ bị tiêu chảy hoặc táo bón lâu ngày không cải thiện.

Chảy máu hậu môn: Đi đại tiện ra nhầy máu, máu đỏ tươi, nhỏ thành giọt hoặc máu lẫn trong phân cũng là dấu hiệu ung thư trực tràng. Ngoài ra, các tổn thương như nứt hậu môn hoặc bệnh trĩ (các bệnh lành tính) cũng có triệu chứng đi đại tiện ra máu. Người bị đi đại tiện ra máu do trĩ, nứt hậu môn thường kèm máu tươi, còn ở ung thư trực tràng thường có máu lẫn với nhầy. Khi có triệu chứng bất thường, người bệnh cần kiểm tra để xác định nguyên nhân gây chảy máu có phải do ung thư trực tràng hay không.

Điều dưỡng khoa Ung Bướu chăm sóc người bệnh. Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Mệt mỏi, suy nhược: Nguyên nhân gây mệt mỏi và suy nhược của ung thư trực tràng thường do mất máu trong phân hoặc tiêu chảy kéo dài. Người bệnh cảm thấy kiệt sức ngay cả khi đã nghỉ ngơi, kèm theo đó là cơ thể suy nhược nhanh chóng nhưng không xác định được rõ nguyên nhân.

Giảm cân bất thường: Người bệnh có sự sụt giảm đáng kể về khối lượng cơ thể, xảy ra ngay cả khi không cố gắng giảm cân. Giảm cân bất thường không do tập luyện hay do ăn kiêng có thể cảnh báo ung thư trực tràng, dạ dày hoặc các bộ phận khác ở đường tiêu hóa.

Ung thư trực tràng giai đoạn sớm thường không có dấu hiệu hay triệu chứng nào rõ ràng. Khi gặp các dấu hiệu nghi ngờ ung thư trực tràng, người bệnh nên đến gặp các bác sĩ chuyên khoa Ung Bướu để được khám, kiểm tra và phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm.

Theo: vnexpress.net

Ung thư hay các bệnh hiểm nghèo khác không phải là dấu chấm hết, nhưng với điều kiện là phát hiện sớm. Vì thế, các chuyên gia y tế khuyến khích người dân có chế độ ăn uống lành mạnh, thể dục thể thao hợp lý và gặp gỡ bác sĩ để được tư vấn danh mục khám định kỳ phù hợp dựa trên nhu cầu riêng, độ tuổi, giới tính, tiền sử gia đình, tiền sử bản thân, chế độ sinh hoạt, thói quen ăn uống, các vấn đề sức khỏe hiện tại.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *