Đề xuất đưa chi phí khám sàng lọc ung thư cổ tử cung vào danh mục được bảo hiểm y tế chi trả

Sáng 19/12, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Ủy ban Xã hội của Quốc hội và Bộ Y tế tổ chức Hội thảo chuyên gia đề xuất chính sách đưa chi phí khám sàng lọc ung thư cổ tử cung vào danh mục được bảo hiểm y tế chi trả.

Chỉ 12% phụ nữ và trẻ em gái tiêm vaccine HPV

Tại hội thảo, bà Tôn Ngọc Hạnh, Uỷ viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho biết, hiện nay, ung thư cổ tử cung là vấn đề sức khỏe cộng đồng đáng quan ngại vì căn bệnh này ảnh hưởng nhiều đến phúc lợi, sức khỏe và đời sống tinh thần của phụ nữ và toàn bộ dân số. Ung thư cổ tử cung (UTCTC) là loại ung thư phổ biến thứ sáu ở phụ nữ Việt Nam, chiếm khoảng 12% tất cả các ung thư ở nữ giới và là nguyên nhân gây tử vong thứ hai sau ung thư vú. Nếu không có bất kỳ can thiệp nào, ước tính khoảng 200.000 phụ nữ Việt Nam sẽ tử vong do ung thư cổ tử cung vào năm 2070.

Chi phí điều trị UTCTC rất tốn kém nhưng bệnh hoàn toàn có thể dự phòng hoặc loại trừ dựa vào tiêm vaccine HPV, sàng lọc định kỳ nhằm phát hiện, điều trị sớm các dấu hiệu tiền ung thư. Tuy nhiên, tại Việt Nam, tỷ lệ tiếp cận các biện pháp phòng và tầm soát UTCTC của phụ nữ Việt Nam còn thấp.

Đề xuất đưa chi phí khám sàng lọc ung thư cổ tử cung vào danh mục được bảo hiểm y tế chi trả- Ảnh 2.
Toàn cảnh hội thảo chuyên gia “Đề xuất chính sách đưa chi phí khám sàng lọc ung thư cổ tử cung vào danh mục được bảo hiểm y tế chi trả.

Theo Nghiên cứu của Bộ Y tế và UNFPA năm 2021, chỉ 12% phụ nữ và trẻ em gái trong độ tuổi 15-29 được tiêm vaccine HPV và chỉ có 28% phụ nữ trong độ tuổi 30-49 được khám sàng lọc (Tỷ lệ rất thấp). Một trong những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ tiếp cận các biện pháp phòng và tầm soát UTCTC thấp là do vaccine HPV có chi phí cao, chưa được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng; khám sàng lọc UTCTC chưa được BHYT chi trả.

Theo bà Tôn Ngọc Hạnh, việc tăng cường khả năng tiếp cận của phụ nữ đối với các dịch vụ sàng lọc, khám, chẩn đoán sớm bệnh UTCTC là cần thiết, phù hợp với nguyên tắc của công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân nhằm đáp ứng nguyên lý phòng bệnh hơn chữa bệnh, giảm gánh nặng lên nền kinh tế cho phụ nữ và chính gia đình của họ cũng như giảm chi phí xã hội từ điều trị UTCTC.

Điều này cũng phù hợp với cam kết quốc tế của Việt Nam trong thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững. Theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới, việc xóa bỏ UTCTC sẽ góp phần thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững 1 về nghèo đói đa chiều, Mục tiêu 3 về cuộc sống khỏe mạnh, Mục tiêu 5 về bình đẳng giới và Mục tiêu 10 về giảm bất bình đẳng. Chiến lược toàn cầu nhằm loại trừ UTCTC do Tổ chức Y tế thế giới công bố năm 2020 đã đưa ra mục tiêu 90-70-90 mà các quốc gia cần đạt được đến năm 2030 để có thể loại trừ được UTCTC (90% trẻ em gái được tiêm chủng vắc xin HPV đầy đủ trước tuổi 15; 70% phụ nữ được xét nghiệm sàng lọc có độ chính xác cao ở độ tuổi 35 và 45; 90% phụ nữ được xác định có tổn thương tiền ung thư và ung thư xâm lấn được chăm sóc và điều trị).

Trên thế giới, chính sách hỗ trợ chi trả (dưới hình thức bảo hiểm y tế chi trả hoặc do ngân sách Nhà nước hỗ trợ) cho sàng lọc ung thư cổ tử cung đã được triển khai ở một số quốc gia như Mỹ, Úc, Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ…

UTCTC không chỉ là bệnh lý mà còn là vấn đề sức khỏe cộng đồng

Theo Vụ Sức khỏe Bà mẹ – Trẻ em, Bộ Y tế, UTCTC là một trong các nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở phụ nữ. Trên thế giới hàng năm có khoảng 604.000 ca mắc mới, 342.000 phụ nữ chết vì căn bệnh này. Nhiễm HPV là nguyên nhân chính của UTCTC. Phòng chống UTCTC có vai trò không thể thiếu trong việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Tại Việt Nam, UTCTC là ung thư phổ biến thứ 4 ở phụ nữ và phổ biến thứ 2 ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, sau ung thư vú. Tỷ lệ mắc chuẩn theo độ tuổi ≈8.1/100.000 PN, mỗi năm có trên 400 ca mắc mới và trên 2000 ca tử vong vì UTCTC.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *