Hạch cổ là các khối mô nhỏ, hình hạt đậu, nằm rải rác dọc theo các mạch bạch huyết, xuất hiện ở dưới cằm, phía sau và hai bên cổ.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS.CKI Nguyễn Chí Thanh, Khoa Ung Bướu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM.
Hạch bạch huyết còn gọi là hạch lympho, là một phần của hệ bạch huyết. Trong đó hạch cổ là một phần của hệ thống hạch bạch huyết, được chia thành nhiều nhóm như hạch dưới hàm, hạch vùng mang tai, hạch dưới cằm, hạch sau tai…
Triệu chứng
Hạch cổ thường là những cục u, sờ vào mềm và đôi khi hơi đau, sưng phù quanh vị trí hạch. Cục u có thể di chuyển khi ấn ngón tay.
Bình thường nổi hạch cổ là phản ứng tự nhiên của cơ thể, cho thấy hệ thống miễn dịch hoạt động để loại bỏ nhiễm khuẩn, ngăn virus hoặc vi khuẩn xâm nhập cơ thể.
Hầu hết tình trạng nổi hạch cổ tự khỏi sau vài tuần, nguyên nhân đa phần là do nhiễm khuẩn đường hô hấp trên và không quá nguy hiểm. Tình trạng nhiễm khuẩn có thể hết sau 10-14 ngày.
Nguyên nhân
Nhiễm khuẩn có thể xuất phát từ viêm họng do liên cầu khuẩn, bệnh sởi, nhiễm khuẩn ở tai. Ngoài ra, có thể liên quan đến các nhiễm khuẩn đặc hiệu khác, thường do bệnh lao hoặc một số bệnh lây truyền qua đường tình dục như giang mai.
Bệnh tự miễn: Lupus và viêm khớp dạng thấp là hai bệnh tự miễn thường gây nổi và sưng hạch vùng cổ.
Ung thư: Một số loại ung thư, ví dụ như ung thư hạch xuất phát từ hệ bạch huyết hay bệnh bạch cầu (ung thư mô tạo máu của cơ thể, bao gồm cả tủy xương và hệ bạch huyết) cũng có thể xuất hiện hạch vùng cổ. Ngoài ra, một số bệnh ung thư khác như ung thư vùng đầu cổ, ung thư phổi… di căn đến các hạch bạch huyết cũng có thể gây ra tình trạng nổi hạch.
Nguyên nhân khác: Một số loại thuốc có thể gây nổi hạch cổ nhưng ít gặp bao gồm thuốc chống động kinh (phenytoin, carbamazepin…), thuốc phòng ngừa bệnh sốt rét… Tình trạng nổi hạch cổ có thể gặp do tác dụng phụ sau tiêm vaccine quai bị, sởi, thương hàn…
Phòng ngừa
Rửa tay thường xuyên và đúng cách bằng xà phòng, nhất là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
Tránh chạm tay vào mắt và mũi.
Thường xuyên khử trùng các bề mặt trong nhà, tay nắm cửa, bàn làm việc… để hạn chế vi khuẩn và virus sinh sôi.
Duy trì thói quen sinh hoạt lành mạnh như ngủ đủ giấc, hạn chế thức khuya, tránh stress…
Bổ sung đầy đủ dưỡng chất cần thiết trong chế độ ăn uống.
Tập thể dục thường xuyên, ít nhất 30 phút một ngày là cách nâng cao sức khỏe, giúp phòng ngừa tình trạng nhiễm khuẩn.
Khi phát hiện hạch cổ nổi lâu ngày mà không rõ nguyên nhân, người bệnh nên đến cơ sở y tế để khám, chẩn đoán và điều trị phù hợp.
Theo: vnexpress.vn
Ung thư hay các bệnh hiểm nghèo khác không phải là dấu chấm hết, nhưng với điều kiện là phát hiện sớm. Vì thế, các chuyên gia y tế khuyến khích người dân có chế độ ăn uống lành mạnh, thể dục thể thao hợp lý và gặp gỡ bác sĩ để được tư vấn danh mục khám định kỳ phù hợp dựa trên nhu cầu riêng, độ tuổi, giới tính, tiền sử gia đình, tiền sử bản thân, chế độ sinh hoạt, thói quen ăn uống, các vấn đề sức khỏe hiện tại.