Khi nào cần sinh thiết u thận?

Sinh thiết u thận cần được bác sĩ xem xét kỹ trước khi thực hiện, bởi có thể gây ra những hệ lụy nguy hiểm, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh.

Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Hoàng Đức (Trưởng khoa Tiết Niệu – Trung tâm Tiết niệu – Thận học Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM) cho biết, đa phần mọi người đều hiểu rằng đã có u là phải làm sinh thiết. Tuy nhiên, u thận khác với các loại u khác trong cơ thể bởi đây là bộ phận khá đặc biệt.

Sinh thiết khối u thận thực hiện bằng cách lấy ra một hoặc nhiều mẫu mô từ khối u. Trước tiên, người bệnh được gây tê tại chỗ, sau đó bác sĩ sẽ dùng kim xuyên qua da người bệnh, kết hợp dẫn đường bằng siêu âm hoặc CT. Sau đó, các mẫu mô được gửi đến phòng xét nghiệm và phân tích dưới kính hiển vi bởi bác sĩ giải phẫu bệnh.

Ê-kip bác sĩ đang chuẩn bị cho một ca sinh thiết. Ảnh: Bệnh viện Đa Khoa Tâm Anh

Ê-kip bác sĩ đang chuẩn bị cho một ca sinh thiết. ẢnhBệnh viện Đa Khoa Tâm Anh

Tuy nhiên, trong quá trình sinh thiết u thận có thể xảy ra tình huống kim sinh thiết lấy vào vùng không có tế bào ung thư nên kết quả cho ra không chính xác. Ngoài ra, thận là cơ quan được tưới nhiều máu nhất cơ thể. Toàn bộ máu trong cơ thể đều chảy qua thận để lọc chất độc và giữ lại những dưỡng chất cần thiết. Thao tác đâm kim qua nhu mô thận để lấy tế bào khi sinh thiết đôi khi gây chảy máu ở thận, nếu nặng có thể nguy hiểm tính mạng.

Với hai nguy cơ trên thì sinh thiết thận không được chỉ định rộng rãi. Kỹ thuật này chỉ được thực hiện trong những trường hợp bác sĩ nghi ngờ khối u thận do di căn từ nơi khác đến; nghi ngờ u nằm trong bệnh hệ thống toàn thân như u hạch lympho; u quá to không thể thực hiện phẫu thuật nên sinh thiết nhằm xác định bản chất của khối u, xem xét việc sử dụng hóa trị.

Do đó, để khắc phục hạn chế này thì kỹ thuật CT scan và MRI bụng có thể giúp xác định bản chất u thận là lành hay u ác trong 90 – 95% các trường hợp.

Nếu khối u thận lành tính, kích thước nhỏ và không gây ra triệu chứng, bác sĩ có thể hướng dẫn biện pháp theo dõi định kỳ. Khi hình ảnh CT hoặc MRI nghi ngờ ác tính, nếu u dưới 4cm thì điều trị lý tưởng nhất là phẫu thuật nội soi cắt u, không cần cắt cả quả thận.

Phẫu thuật nội soi có nhiều ưu điểm như vết mổ nhỏ, giảm đau, thời gian nằm viện ngắn và bảo tồn chức năng của thận. Đặc biệt, hiệu quả điều trị ung thư không khác biệt so với mổ mở.

Bác sĩ Hoàng Đức đang tư vấn cho người bệnh tại phòng khám Tiết Niệu. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Bác sĩ Hoàng Đức đang tư vấn cho người bệnh tại phòng khám Tiết Niệu. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Nguyên nhân gây u thận ác tính đến nay vẫn chưa được xác định cụ thể. Tuy nhiên, các yếu tố nguy cơ gây bệnh thường được cho là do di truyền; thói quen sinh hoạt không lành mạnh (hút thuốc lá, ăn uống thiếu cân bằng và ít vận động gây thừa cân); môi trường làm việc tiếp xúc với hóa chất độc hại; người mắc bệnh thận phải lọc máu; người dùng các loại thuốc giảm đau kéo dài…

Bác sĩ Hoàng Đức khuyên, dù được xác định là khối u thận lành tính, người bệnh vẫn nên tái khám đúng hẹn hay khi phát hiện các dấu hiệu bất thường để được điều trị kịp thời. Nhiều trường hợp khối u lành tính có thể trở nên ác tính theo thời gian. Vì vậy, việc thăm khám, phát hiện càng sớm càng giúp ích trong việc duy trì sức khỏe người bệnh.

Theo: vnexpress.net

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *