Nhóm nguy cơ cao như hút thuốc lá, lạm dụng chất kích thích, gia đình có người mắc bệnh, tuổi cao nên đi tầm soát đúng nơi, không tin theo quảng cáo giá rẻ.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi TS. BS Phạm Nguyên Quý, Bác sĩ Trưởng, Khoa Ung thư nội khoa, Bệnh viện Trung ương Kyoto Miniren (Nhật Bản), Đồng sáng lập Tổ chức Y học cộng đồng.
Tầm soát ung thư là gì?
Tầm soát ung thư là thực hiện các xét nghiệm phù hợp trên người khỏe mạnh xem họ có khả năng bị ung thư hay không. Các xét nghiệm tầm soát tốt cần thỏa mãn tiêu chí an toàn, dễ chịu, giá thành rẻ, đủ chính xác và có bằng chứng giúp giảm tỷ lệ tử vong cho nhóm người thực hiện. Bởi, đối tượng của tầm soát là những người chưa hề có triệu chứng, tỷ lệ phát hiện ra ung thư là không cao (<1%) và thường được xem là một dạng “đầu tư dự phòng” qua việc quản lý nguy cơ sức khỏe.
Hiện nay có hơn 200 loại ung thư khác nhau nhưng chỉ 5-7 loại có phương pháp tầm soát hiệu quả, thỏa mãn các tiêu chí nói trên, bao gồm ung thư gan, phổi, vú, cổ tử cung, dạ dày và đại trực tràng.
Những phương pháp tầm soát thường gặp là chẩn đoán hình ảnh (chụp CT ngực, siêu âm gan, X-quang vú, nội soi dạ dày/đại tràng) vì ung thư giai đoạn sớm thường khu trú tại chỗ, rất khó phát hiện được qua xét nghiệm máu.
Ngoài ra, mọi người cần nắm rõ bản thân mình có yếu tố nguy cơ về bệnh ung thư gì và có thuộc nhóm nên tầm soát theo khuyến cáo hay không. Hầu hết hướng dẫn hiện nay khuyến cáo bắt đầu ở người trên 45-50 tuổi, riêng về ung thư cổ tử cung là phụ nữ trên 20 tuổi.
Ngoài tuổi tác, cần chú ý tới một số yếu tố nguy cơ như hút thuốc lá, uống rượu bia, tình trạng nhiễm virus viêm gan HBV, HCV, vi khuẩn Helicobacter Pylori để lên kế hoạch tầm soát cụ thể và hiệu quả.
Không sử dụng các xét nghiệm máu đo chất chỉ điểm ung thư như CEA, CA19-9, CA125, NSE, SCC…,vì chúng không có hiệu quả trong tầm soát ung thư, thậm chí chống chỉ định ở người không có triệu chứng. Tương tự, việc lấy máu xét nghiệm gene với mục đích tầm soát ung thư cũng chưa được các hiệp hội ung thư uy tín khuyến khích vì thiếu bằng chứng khoa học.
Lưu ý, không phải trong gia đình có người thân bị ung thư nào là mình sẽ có nguy cơ bị ung thư đó cao hơn và phải đi tầm soát ngay. Nếu có nhiều người thân mắc ung thư, mọi người nên tìm đến chuyên gia về ung thư hoặc di truyền để được tư vấn trước thay vì tự ý đi xét nghiệm.
Hệ lụy khi đổ xô đi tầm soát
– Dương tính giả: Xét nghiệm tầm soát có thể cho kết quả dương tính, nghi ngờ “mắc ung thư”, song kết quả khám và xét nghiệm sau đó phủ định. Điều này khiến người bệnh phải trải qua quá trình kiểm tra chuyên sâu và can thiệp y tế không cần thiết, vừa gây hao tổn tài chính vừa làm căng thẳng tinh thần cho người bệnh và gia đình.
– Bỏ sót ung thư do âm tính giả: Khi tầm soát không phát hiện ung thư mặc dù ung thư thật sự tồn tại, người bệnh có thể bị bỏ sót cơ hội điều trị sớm, khiến bệnh tiến triển nhanh, nguy hiểm tính mạng.
– Áp lực lên hệ thống y tế: Việc tầm soát vô tội vạ và thiếu cân nhắc sẽ gây áp lực lên hệ thống y tế, làm lãng phí nguồn lực và thời gian của các y bác sĩ. Theo một ước lượng tại Nhật Bản, chỉ cần có thêm 5% dân số đi tầm soát ung thư cổ tử cung thì các khoa giải phẫu bệnh sẽ “vỡ trận” vì không đủ người đọc kết quả. Một kết quả CEA dương tính giả cũng có thể làm vài chục nhân viên y tế tốn thời gian xét nghiệm chuyên sâu.
– Tăng số ca bị chẩn đoán và xử trí sai: Khi số người đi tầm soát tăng, số ca nhận tin “nghi ngờ mắc ung thư” cũng sẽ tăng cao. Nếu hệ thống y tế không kiện toàn, sẽ có rất nhiều người bị chẩn đoán sai, dẫn đến can thiệp sai. Chẩn đoán và điều trị ung thư sớm là một việc quan trọng, cần được đào tạo bài bản và có sự hợp tác tốt giữa nhiều đơn vị để mang lại lợi ích tối đa cho cộng đồng.
– Lo lắng và căng thẳng tinh thần: Ngay cả khi sử dụng xét nghiệm phù hợp để tầm soát, người dân vẫn có thể lo lắng và căng thẳng vì sợ nhận kết quả nghi ngờ ung thư. Quá trình này có thể ảnh hưởng đến nhịp sinh hoạt và chất lượng cuộc sống.
– Thất vọng và mất niềm tin: Nếu việc tầm soát không đủ chất lượng hoặc kết quả không chính xác, người bệnh và gia đình sẽ mất niềm tin vào hệ thống y tế và từ chối tham gia tầm soát trong tương lai.
Để giảm thiểu các hậu quả này, bệnh nhân cần tìm hiểu về tầm soát ung thư theo hướng dẫn của các hiệp hội chuyên ngành và có tư vấn bởi bác sĩ có chuyên môn để chọn đúng phương pháp và tần suất thực hiện tầm soát phù hợp.
Theo: vnexpress.net
Ung thư hay các bệnh hiểm nghèo khác không phải là dấu chấm hết, nhưng với điều kiện là phát hiện sớm. Vì thế, các chuyên gia y tế khuyến khích người dân có chế độ ăn uống lành mạnh, thể dục thể thao hợp lý và gặp gỡ bác sĩ để được tư vấn danh mục khám định kỳ phù hợp dựa trên nhu cầu riêng, độ tuổi, giới tính, tiền sử gia đình, tiền sử bản thân, chế độ sinh hoạt, thói quen ăn uống, các vấn đề sức khỏe hiện tại.