Kiêng gì khi mắc bệnh suy giáp?

Người bệnh suy giáp hạn chế ăn đậu hũ, rau họ cải, bánh ngọt, đồ chiên rán, ít uống sữa đậu nành vì có thể cản trở hấp thu thuốc và iốt.

Tuyến giáp sản sinh các loại hormone quan trọng, có vai trò điều khiển thân nhiệt, điều hòa nhịp tim, duy trì cân nặng, trao đổi chất và quá trình sản xuất năng lượng. Chức năng tuyến giáp bị rối loạn ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe. Bệnh suy giáp là rối loạn chức năng tuyến giáp khiến hormone giáp tiết ra ít hơn bình thường.

BS.CKII Trần Thùy Ngân, khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết chế độ ăn uống tác động đáng kể đến triệu chứng của bệnh suy giáp. Một số loại thực phẩm góp phần cải thiện các triệu chứng, số khác có thể cản trở hấp thu thuốc, làm bệnh nặng hơn. Người bệnh nên hạn chế các nhóm dưới đây.

Thực phẩm chứa goitrogen: Hợp chất goitrogen cản trở quá trình hấp thu iốt và sản xuất hormone của tuyến giáp, nhất là ở người thiếu iốt, làm rối chức năng hoạt động của cơ quan này.

Thực phẩm chứa goitrogen gồm chế phẩm từ đậu nành, đậu hũ, sữa đậu nành, su hào, củ cải trắng, súp lơ, cải xoăn… Người bệnh có thể ăn chúng khi nấu chín vì enzyme myrosinase đã bị phá vỡ giúp giảm goitrogen.

Thực phẩm chứa gluten: Gluten có trong thực phẩm chế biến sẵn từ lúa mì, lúa mạch, lúa mạch đen, bánh mì trắng, bánh ngọt… Gluten kích thích niêm mạc ruột non, cản trở hấp thu các loại thuốc thay thế hormone tuyến giáp.

Người bệnh nên chọn thực phẩm chứa gluten loại còn nguyên cám vì có chất xơ và chất dinh dưỡng khác để hạn chế ảnh hưởng đến ruột.

[Caption]Bác sĩ khoa Nội tiết - Đái tháo đường khám cho người bệnh. Ảnh: Đinh Tiên

Bác sĩ khoa Nội tiết – Đái tháo đường khám cho người bệnh. Ảnh: Đinh Tiên

Thực phẩm nhiều chất béo: Mỡ động vật, đồ chiên rán, bơ thực vật làm gián đoạn khả năng hấp thụ thuốc điều trị suy giáp, cản trở sản xuất hormone tuyến giáp.

Thực phẩm nhiều calo: Quá trình trao đổi chất ở người bệnh suy giáp thường chậm hơn bình thường, khiến đốt cháy năng lượng từ đường thừa khó khăn. Ăn nhiều kẹo, bánh ngọt, nước ngọt… chứa nhiều calo làm người bệnh dễ tăng cân, ảnh hưởng đến hoạt động của tuyến giáp.

Thực phẩm chế biến sẵn: Thức ăn nhanh, đóng hộp, đồ đông lạnh, nhiều muối và chất phụ gia làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, giảm sản xuất hormone tuyến giáp, ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc điều trị suy giáp.

Thức uống gây kích thích: Rượu, bia ảnh hưởng xấu đến tuyến giáp, phá hủy hormone, giảm chức năng và ngăn khả năng sử dụng hormone tuyến giáp của cơ thể.

Thực phẩm chứa caffeine như trà, soda, cà phê, chocolate… ngăn chặn hấp thu thuốc điều trị. Người bệnh có thói quen uống cà phê buổi sáng nên uống thuốc với nước lọc, sau uống thuốc ít nhất 30 phút mới dùng cà phê.

Thực phẩm quá nhiều chất xơ: Chất xơ cần tiêu thụ ở mức vừa phải, tránh bổ sung quá nhiều một lúc dễ ảnh hưởng đến quá trình điều trị.

Bác sĩ Ngân khuyên người bị suy giáp nên ăn nhiều rau, trái cây và đạm từ thực vật trong khẩu phần hàng ngày theo chỉ định từ bác sĩ. Tăng cường các món có lượng calo thấp, tránh tăng cân, bổ sung thêm thực phẩm chứa iốt và kẽm.

Các món giàu iốt (cá, hải sản, rong biển, trứng, sữa…), giàu selen (các loại hạt, cá hồi, yến mạch, bánh mì nguyên cám…), nhiều kẽm (hàu, sò, hến, thịt bò, thịt gà…), cá ngừ, rau có màu xanh đậm, vitamin D3 nên đưa vào thực đơn hàng ngày.

Theo: vnexpress.net

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *