Làm thế nào để nhận biết bướu cổ?

Tôi sờ lên cổ cảm giác như có cục bướu ở cổ. Có cách nào nhận biết bướu cổ chính xác và điều trị thế nào thưa bác sĩ? (Quỳnh Lâm, Đồng Nai)

Trả lời:

Hầu hết bướu cổ không có triệu chứng, thường phát hiện tình cờ qua khám sức khỏe. Một số ít trường hợp bướu cổ phình to, có thể phát hiện qua nhìn, sờ. Khi nghi ngờ bướu cổ, bác sĩ sẽ sờ, nắn xem có sưng ở cổ hay không, có thể yêu cầu người bệnh nuốt khi cảm thấy có bướu cổ. Sau đó, bác sĩ chỉ định siêu âm đánh giá kích thước của tuyến giáp và các đặc điểm nhân giáp như kích thước, số lượng, vôi hóa, đường viền, hình dạng, đặc hay dạng nang… Ngoài ra, tùy vào tình trạng của mỗi bệnh nhân, bác sĩ có thể chỉ định các xét nghiệm sau:

Xét nghiệm máu: Nhằm định lượng hormone tuyến giáp (T3, T4, TSH, FT3, FT4), kháng thể tuyến giáp (Anti TPO) đánh giá hoạt động tuyến giáp và đưa ra phương án điều trị phù hợp.

Kiểm tra độ tập trung iốt: Bệnh nhân được sử dụng lượng iốt trước khi thực hiện kiểm tra. Nếu tuyến giáp có độ tập trung iốt cao cho thấy người bệnh bị cường giáp; còn ngược lại là bệnh suy giáp.

Sờ nắn cổ và siêu âm có thể phát hiện bướu. Ảnh: Freepik

Sờ nắn cổ và siêu âm có thể phát hiện bướu. Ảnh: Freepik

Xạ hình tuyến giáp: Bệnh nhân được sử dụng một lượng iod phóng xạ rất nhỏ (iod 131) để kiểm tra sự hấp thu của các tế bào tuyến giáp, hỗ trợ cho chẩn đoán, đưa ra nhận xét về cấu trúc bất thường về tuyến giáp và nhân giáp.

Sinh thiết tuyến giáp: Bác sĩ thực hiện sinh thiết tuyến giáp khi nghi ngờ người bệnh có khối u ác tính. Người bệnh được gây tê vùng cổ, rồi tiến hành chọc hút tế bào bằng kim nhỏ. Sau khi lấy một số tế bào và dịch nhân của tuyến giáp, bác sĩ soi dưới kính hiển vi để phát hiện những điểm bất thường. Phương pháp này áp dụng cho những nhân lớn hơn một cm và chẩn đoán ung thư tuyến giáp.

Tùy thuộc vào loại bướu cổ và nguyên nhân mà bác sĩ khoa nội tiết – đái tháo đường có chỉ định điều trị khác nhau. Với bướu lành tính, chức năng tuyến giáp bình thường, không gây nuốt nghẹn, khó thở…, người bệnh được theo dõi, điều chỉnh chế độ ăn (bổ sung thực phẩm giàu iốt như hải sản, sò, nghêu, dùng muối iốt thường xuyên), khám định kỳ, không cần điều trị. Nếu bướu cổ lành tính lớn, ảnh hưởng đến chức năng tuyến giáp, gây nuốt khó, thở… tùy vào tình trạng bệnh, bác sĩ chỉ định dùng thuốc (điều trị nội khoa), xạ trị, phẫu thuật.

Với bướu ác tính, phẫu thuật là phương pháp đầu tiên đối với hầu hết các loại ung thư tuyến giáp. Bác sĩ phẫu thuật loại bỏ toàn bộ hoặc một phần tuyến giáp, các tuyến bạch huyết gần đó. Hậu phẫu, nếu còn tế bào ung thư hoặc ung thư xâm lấn mô, cơ quan lân cận, người bệnh tiếp tục điều trị bằng iốt phóng xạ (dạng lỏng hoặc viên nang). Sau đó, bác sĩ kê những loại thuốc phù hợp với tình trạng của người bệnh để đảm bảo sức khỏe, kéo dài tuổi thọ, sinh hoạt thuận lợi.

Sau phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp, cơ quan này không sản xuất hormone tuyến giáp. Người bệnh cần uống thuốc thay thế hormone tuyến giáp suốt đời để ngăn ngừa các triệu chứng như: mệt mỏi, tăng cân, sụt cân, khô da… Đôi khi, các tuyến cận giáp có thể bị ảnh hưởng trong quá trình phẫu thuật. Đây là các tuyến điều chỉnh nồng độ canxi trong máu. Người bệnh phải bổ sung canxi cho đến khi các tuyến cận giáp hoạt động bình thường trở lại.

Theo: vnexpress.net

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *