Mất bao lâu polyp đại tràng trở thành khối ung thư?

Bất kỳ ai cũng có thể mắc polyp đại tràng không triệu chứng. Polyp đại tràng tuy lành tính nhưng là bệnh lý tiền ung thư nếu không được điều trị sớm, kịp thời, đúng mức.

Phẫu thuật nội soi cắt polyp đại tràng tại Bệnh viện K - Ảnh: BVCC
 

Phẫu thuật nội soi cắt polyp đại tràng tại Bệnh viện K – Ảnh: BVCC

Polyp lành tính chuyển sang ác tính

Anh N.V.A., 39 tuổi, khỏe mạnh, đi khám phát hiện polyp đại tràng kích thước 4cm. Anh được chỉ định phẫu thuật nội soi cắt polyp và đoạn ruột già (đại tràng). Kết quả sinh thiết polyp cho thấy đã bắt đầu có một số tế bào chuyển sang ác tính. B

ác sĩ Hà Hải Nam – phó trưởng khoa ngoại bụng 1, Bệnh viện K – cho biết bệnh nhân tuy bị ung thư nhưng vẫn là giai đoạn rất, rất sớm, nên chỉ phải cắt phần nhỏ đoạn ruột già, không ảnh hưởng gì tới hệ thống tiêu hóa của bệnh nhân sau này.

Cái chính là bác sĩ đã có buổi trao đổi với anh về vấn đề tầm soát phát hiện sớm ung thư, nhất là với các con anh sau này.

Bác sĩ Nam giải thích polyp đại tràng là một khối tế bào nhỏ hình thành trên niêm mạc đại trực tràng, là bệnh lành tính, hầu hết đều vô hại. Nhưng theo thời gian, một số polyp đại tràng có thể phát triển thành ung thư đại tràng, thường gây tử vong khi phát hiện ở giai đoạn muộn.

Có hai loại polyp chính, dạng khối u tân sinh và không phải khối u tân sinh. Polyp không phải dạng u tân sinh bao gồm polyp tăng sản, polyp viêm và polyp có mô đệm. Những loại polyp này thường không trở thành ung thư.

Polyp tân sinh bao gồm loại u tuyến và loại có khía (răng cưa). Nhìn chung, một polyp càng lớn thì nguy cơ ung thư càng cao, đặc biệt là với dạng polyp tân sinh.

Theo bác sĩ Nam, bất kỳ ai cũng có thể mắc bệnh polyp đại tràng, nguy cơ cao hơn từ 50 tuổi trở lên, thừa cân, hút thuốc hoặc có tiền sử bản thân hoặc gia đình có người mắc polyp đại tràng hoặc ung thư đại tràng.

Polyp đại tràng thường không gây ra triệu chứng, nhưng khi soi thì lại phát hiện khá nhiều polyp. 

Chúng ta có lẽ sẽ không biết mình có tổn thương u hay polyp hay không, cho nên điều quan trọng là phải làm các xét nghiệm tầm soát thường xuyên, chẳng hạn như nội soi, vì các polyp đại tràng được phát hiện ở giai đoạn đầu thường có thể được loại bỏ một cách đơn giản và an toàn.

Tuy vậy, cũng có một số người có những dấu hiệu sau :

• Đại tiện có máu. Đây có thể là dấu hiệu của bệnh polyp đại tràng hoặc ung thư hoặc các bệnh lý khác, chẳng hạn như bệnh trĩ hoặc nứt kẽ hậu môn.

• Thay đổi thói quen đại tiện. Táo bón hoặc tiêu chảy kéo dài hơn một tuần có thể cho thấy sự có mặt của tổn thương, ví dụ như polyp đại tràng. Nhưng một số tình trạng khác cũng có thể gây ra những thay đổi trong thói quen đại tiện như ngồi lâu, dùng thuốc kháng sinh kéo dài…

• Đau bụng: Polyp đại tràng có thể làm tắc nghẽn một phần ruột, dẫn đến đau bụng quặn thắt khi các quai ruột co bóp.

• Thiếu máu do thiếu sắt. Chảy máu do polyp thường xảy ra từ từ, trong thời gian dài, chúng ta sẽ khó có thể nhìn thấy phân có màu đỏ hay màu đen. 

Chảy máu mạn tính lấy đi lượng sắt cần thiết trong cơ thể, thứ cho phép các tế bào hồng cầu vận chuyển oxy đến cơ thể (hemoglobin). Kết quả là thiếu máu do thiếu sắt, khiến ta cảm thấy mệt mỏi và khó thở.

 

Hình ảnh polyp đại tràng qua nội soi - Ảnh: BVCC

Hình ảnh polyp đại tràng qua nội soi – Ảnh: BVCC

Ai có polyp đại tràng dễ tiến triển thành ung thư?

Bác sĩ Nguyễn Xuân Tuấn, Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt, cho biết các polyp nếu sớm được loại bỏ thì sẽ ít có khả năng trở thành ác tính, một số dạng polyp đại tràng có nguy cơ cao tiến triển thành ung thư:

– Polyp càng lớn thì nguy cơ ung thư hoặc tiền ung thư càng cao. Những polyp đại tràng 1cm trở lên hoặc một số polyp với kích thước rất lớn có thể có những vùng nhỏ bị ung thư hóa.

– Những polyp có chân rất ngắn và những polyp có hình ảnh dạng sần sùi, dễ chảy máu.

– Những polyp không có cuống có khả năng gây ung thư nhiều hơn những polyp có cuống.

– Polyp tuyến chủ yếu là tế bào tuyến lót bên trong ruột già, có nhiều khả năng sẽ phát triển thành ung thư (nghĩa là đang ở trạng thái tiền ung thư). Polyp tuyến răng cưa là một dạng tiến triển đặc biệt của polyp tuyến.

– Khi có quá nhiều khối u dạng này xuất hiện trong ruột già thì bệnh mang tên là đa polyp đại tràng. Tuy đa số khối u là lành tính, nhưng người bệnh đa polyp đại trực tràng có nguy cơ tiềm ẩn ung thư, vì khi có một trong các khối u tăng sinh quá mức và không được biệt hóa sẽ trở nên ác tính.

Đây là bệnh có tính chất gia đình, nguyên nhân gây ra được cho là do di truyền, do đó hầu như không có cách nào phòng ngừa bệnh.

– Polyp không tân sinh bao gồm polyp tăng sản, polyp viêm và polyp hamartomatous. Những loại polyp này thường không trở thành ung thư. Polyp neoplastic bao gồm adenomas và các loại răng cưa. Nói chung, polyp càng lớn thì nguy cơ ung thư càng cao, đặc biệt là với polyp neoplastic.

Bác sĩ Tuấn phân tích bản thân polyp là những tế bào bất thường, nhưng không phải tế bào ung thư. Tuy nhiên khi những tế bào bất thường này phân chia, chúng sẽ tạo ra đột biến, càng nhiều đột biến nguy cơ ung thư càng tăng.

Theo nghiên cứu, quá trình khối polyp chuyển thành ung thư mất khoảng 10 năm hoặc hơn. Đây là quá trình diễn ra chậm, việc nội soi thường xuyên để phát hiện và loại bỏ polyp sớm là rất quan trọng

Người có nguy cơ polyp đại tràng tiến triển thành ung thư:

– Tuổi trên 50;

– Tiền sử đã bị polyp đại tràng;

– Có người thân trong gia đình bị polyp đại tràng hoặc ung thư đại tràng;

– Nhóm có thói quen ăn nhiều thịt và đồ béo;

– Những người thường xuyên hút thuốc lá hoặc tiếp xúc với khói thuốc;

– Những người uống nhiều rượu và đồ uống có cồn liên tục trong thời gian dài;

– Những người thừa cân – béo phì hoặc có cân nặng tăng đột biến trong thời gian ngắn;

– Lười vận động, nằm hoặc ngồi nhiều.

Biện pháp phòng ngừa

Xây dựng thói quen lành mạnh là điều cần có để đảm bảo sức khỏe hệ tiêu hóa nói riêng và sức khỏe tổng thể nói chung, bằng cách:
– Tăng cường chất xơ thể rau xanh, trái cây, các loại hạt vào chế độ ăn uống.
– Nên hạn chế bia rượu, thuốc lá.
– Bổ sung vitamin D, canxi theo chỉ định của bác sĩ.
– Tập thể dục thể thao đều đặn ít nhất 30 phút mỗi ngày.
– Giữ tinh thần thoải mái, không nên chịu áp lực/stress trong thời gian dài.
– Sinh hoạt theo giờ giấc ổn định để góp phần tránh gây rối loạn tiêu hóa.
– Thăm khám định kỳ nếu gia đình có tiền sử bị polyp trực tràng.

Theo: tuoitre.vn

Ung thư hay các bệnh hiểm nghèo khác không phải là dấu chấm hết, nhưng với điều kiện là phát hiện sớm. Vì thế, các chuyên gia y tế khuyến khích người dân có chế độ ăn uống lành mạnh, thể dục thể thao hợp lý và gặp gỡ bác sĩ để được tư vấn danh mục khám định kỳ phù hợp dựa trên nhu cầu riêng, độ tuổi, giới tính, tiền sử gia đình, tiền sử bản thân, chế độ sinh hoạt, thói quen ăn uống, các vấn đề sức khỏe hiện tại.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *