Người phụ nữ hai lần chiến thắng ung thư vú

Chị Mộng Cầm đang tận hưởng niềm vui bên gia đình, dù trước đó từng sốc khi mắc ung thư vú ở tuổi 38, 2 năm sau, khối u khác tiếp tục tấn công.

Nhận kết quả ung thư vú ở tuổi 38 tuổi (năm 2018), mọi thứ gần như sụp đổ trước mắt chị Mộng Cầm (quận Bình Thạnh, TP HCM). Tuy nhiên, nghĩ đến con thơ, xốc lại tinh thần, cố gắng điều trị bệnh cùng với sự sát cánh của gia đình, chị đã chiến đấu và vượt qua “cửa tử”, trân trọng những ngày tháng trước mắt. Hiện tại, sức khỏe của chị ổn định. Tái tạo thẩm mỹ ngực còn giúp người phụ nữ trung niên tự tin hơn trong cuộc sống vợ chồng.

Chị Cầm đi khám bệnh thì phát hiện trong vú có tế bào tăng sinh bất thường không điển hình hơn 4 năm trước. “Lúc đó, tôi rất dửng dưng vì chưa đến 40 tuổi, lại có lối sống lành mạnh thì làm sao mắc bệnh được”, chị cho biết.

Để đối chứng kết quả, chị đến một bệnh viện khác siêu âm và chụp nhũ ảnh nhưng cũng không xác định ung thư vú. Bác sĩ khuyên chị nên sinh thiết và kết quả là viêm vú. Tuy nhiên, một tháng sau, chị cảm nhận rõ khối u trong vú to lên nhanh. Lúc đầu, khối u chỉ bằng ngón tay cái, sau đó như quả trứng gà. Chị không cảm thấy đau, chỉ mặc áo cấn mới hơi xốn cộm. Kết quả sinh thiết cho thấy u ác tính giai đoạn IIB (được đánh giá là giai đoạn sớm nên tiên lượng khá tốt).

“Tôi sốc nặng, đầu óc trống rỗng, suy sụp. Tôi nghĩ ung thư vú là ‘án tử’ đang treo lơ lửng trên đầu. Trong khi đó, 3 con của tôi còn nhỏ dại, đứa bé nhất mới chỉ một tuổi. Bố của tôi cũng mất vì ung thư nên tôi khó thoát khỏi ám ảnh”, chị nói.

Phải mất 6 tháng, chị mới lấy lại cân bằng. Theo chị Cầm, điều tiếc nuối là chị phát hiện tế bào tăng sinh từ sớm nhưng lại để mất cơ hội điều trị ngay từ lúc đó. Nếu tích cực theo dõi và tầm soát khi chớm phát hiện có khi không phải nhận kết quả thế này.

Trong suốt thời gian qua, gia đình, người thân luôn sát cánh chăm sóc chị. Bệnh nhân còn được bác sĩ Nguyễn Đỗ Thùy Giang (hiện là Trưởng khoa Ngoại vú, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM) điều trị, động viên, theo sát quá trình chữa bệnh. Qua bác sĩ, chị Cầm tham gia vào Câu lạc bộ bệnh nhân ung thư vú của Bệnh viện Tâm Anh. Tại đây, chị được gặp gỡ và trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với các “chiến binh K” để cùng động viên nhau sống mạnh mẽ, lạc quan, vượt qua bệnh tật.

Chị Cầm trong chuyến du lịch Phú Quốc năm ngoái. Ảnh do NVCC

Chị Cầm trong chuyến du lịch Phú Quốc năm ngoái. Ảnh: NVCC

Đến giờ, chị vẫn có thể mô tả chi tiết hình ảnh và cảm nhận của lần đầu bước vào phòng mổ. “Căn phòng lạnh ngắt, chỉ một mình nằm trơ trọi, suy nghĩ mông lung không biết sau hôm nay có thể sống tiếp, có gặp lại con hay không. Sau ca mổ, tôi cố nhiều lần nhưng không sao mở mắt ra được, chỉ thấy lờ mờ ai đó đứng trước mặt, rồi lại thiếp đi. Nhưng tôi tự nhủ trong đầu rằng mình phải sống”, chị kể.

Một năm đầu, bệnh nhân được phẫu thuật đoạn vú, hóa trị, xạ trị. Thời gian điều trị của chị Cầm dài hơn nhiều bệnh nhân khác vì cơ thể suy nhược nên không vô hóa chất liên tục được, khoảng 3 lần mỗi tuần trong 3 tháng. Mỗi lần vô thuốc, chị không ăn uống được, nôn ói.

Sau khi cắt bỏ một bên vú, ngoài nỗi đau về thể xác, chị còn nỗi đau tinh thần. Lúc lên bàn mổ, bác sĩ vẫn khuyên Cầm giữ lại tuyến vú để tái tạo lại vì tuổi còn trẻ. Tuy nhiên, nỗi lo về bệnh tật xâm lấn, chị chỉ muốn loại bỏ hết mầm mống ung thư ra khỏi cơ thể. Chị sợ tái tạo có khả năng cao tái phát, tốn thời gian điều trị thì chồng con lại vất vả chăm sóc nên quyết định đoạn nhũ. Song, đến giờ, đó là điều nuối tiếc thứ hai của chị. Những khi sinh hoạt vợ chồng, khiếm khuyết thể xác lại trở thành khoảng trống cảm xúc của cả hai vợ chồng.

Chị cố gắng ăn uống, ngủ nghỉ điều độ, tập yoga và đi khám định kỳ theo chỉ định của bác sĩ. Thế là khoảng thời gian khó khăn nhất cũng đi qua.

Thế nhưng, hai năm sau khi phát hiện ung thư vú trái, năm 2020, chị lại đón nhận tin dữ một lần nữa: có khối u ác tính ở vú phải. Lần này chị đón nhận với tâm thế khác vì nghĩ “hư đâu sửa đó”. Hành trình chiến đấu với bệnh cũng nhẹ nhàng hơn vì chị đã có kinh nghiệm và phát hiện ở giai đoạn sớm hơn. Bác sĩ chỉ định hóa trị trước, sau đó phẫu thuật và tái tạo thẩm mỹ lại vú cho cả hai bên.

Có lúc trải qua những giây phút chênh vênh, thậm chí đau đớn, vật vã nhưng vì gia đình, chị Cầm đã tiếp tục chiến đấu. Cuối cùng, hành trình gian nan đã qua đi. Giờ đây, sức khỏe dần ổn định, chị lạc quan, yêu đời. Khi được bác sĩ tái tạo thẩm mỹ hai bên vú, chị tự tin hơn.

Theo chị Cầm, qua những thăng trầm và biến cố bệnh tật, chị nhận ra nhiều điều. Đó là ung thư vú không đáng sợ như mình từng nghĩ. Với khoa học hiện đại, nếu bệnh phát hiện ở giai đoạn sớm có thể kiểm soát, điều trị và ổn định dài lâu.

Khi đã điều trị ổn định, khỏe hơn, lấy lại được tinh thần, chị Cầm hay tìm hiểu kiến thức về ung thư để chia sẻ kinh nghiệm cho những bệnh nhân khác vững tâm hơn để chiến đấu, sớm khỏe lại.

Chị tâm niệm “sống là cho đi, sống phải vui vẻ, cố gắng làm việc có ích để mỗi ngày đều ý nghĩa” và muốn nhắn nhủ đến phụ nữ rằng bệnh ung thư vú hiện nay khá phổ biến, chị em nên chăm sóc sức khỏe mỗi ngày; ngoài ăn uống, luyện tập điều độ thì cần kiểm tra, tầm soát sức khỏe định kỳ. Nếu không may phát hiện bệnh thì nên bình tĩnh đối mặt.

“Giữ tinh thần lạc quan là chiến thắng được bệnh 50%, 50% hãy tin tưởng và tuân theo chỉ định điều trị của bác sĩ. Chỉ cần giữ được phương hướng, tìm được đúng bác sĩ giỏi, có tâm, người bệnh sẽ bớt khổ, bớt lãng phí thời gian và chi phí”, chị Cầm nói thêm.

Theo: Quyên Phan (nguồn: vnexpress.net)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *