Phòng ngừa 5 loại ung thư phổ biến ở nam giới bằng cách nào?

Tại Việt Nam, 5 loại ung thư gồm ung thư gan, phổi, dạ dày, đại trực tràng, tiền liệt tuyến là những ung thư phổ biến nhất ở nam giới (chiếm khoảng 65,8% tổng các loại ung thư).

Theo các chuyên gia ung thư Bệnh viện K, mỗi cá nhân cần trang bị cho bản thân những kiến thức cần thiết để phòng ngừa cũng như phát hiện sớm các loại ung thư thường gặp.

Ung thư gan chiếm 20,5% tổng số ung thư ở nam giới. Việt Nam nằm trong số các nước mắc ung thư gan cao nhất thế giới. Bệnh hay gặp ở nam giới lứa tuổi 50 – 60. Đây là loại bệnh rất trầm trọng, diễn biến nhanh, khó điều trị, tiên lượng rất xấu. Hầu hết người bệnh ung thư gan tử vong trong vòng 1 năm kể từ khi phát hiện ca bệnh.

Ngoài ung thư gan nguyên phát, nhiều loại ung thư khác như: ung thư phổi, dạ dày, thực quản… cũng di căn đến gan.

Nguyên nhân của bệnh có liên quan rõ rệt với viêm gan vi rút B, C, sán lá, nhiễm độc aflatoxin (loại độc tố có trong gạo mốc, lạc mốc…), mycotoxin và xơ gan do sử dụng rượu bia (trên 70% người ung thư gan, kèm theo xơ gan).

Phòng ngừa 5 loại ung thư phổ biến ở nam giới bằng cách nào? - Ảnh 1.

Phẫu thuật cho bệnh nhân ung thư – Ảnh: BSCC

Từ khi nhiễm bệnh đến khi xuất hiện ung thư từ vài năm đến vài chục năm. Nhưng khi đã xuất hiện thì ung thư tiến triển rất nhanh. Bệnh nhân đột nhiên thấy mỏi mệt, nặng ở vùng dưới sườn phải, sờ thấy u rồi đi khám.

Các thăm dò phát hiện sớm đối với những người có tiền sử viêm gan mang HBsAg, thân nhân của người xơ gan hoặc ung thư gan nên định lượng αFP, thăm dò siêu âm hoặc chọc dò chẩn đoán tế bào, chụp CT, MRI nếu nghi ngờ. Thời gian kiểm tra nhắc lại 3-6 tháng.

Ung thư phổi chiếm 18,9%. Đây là loại ung thư gia tăng rất nhanh, năm 2000 có 6.905 trường hợp, hiện trung bình mỗi năm ghi nhận khoảng 20.000 bệnh nhân, trong đó có 17.000 ca tử vong.

Trong số các bệnh nhân ung thư phổi nhập viện, 62,5% không còn khả năng phẫu thuật. Cứ 12 người nam bị bệnh thì có 4-10 nữ, với tỉ lệ khoảng 29,6/100.000 người (nam) và 7,3/100.000 (nữ). Tại Hà Nội, trong 100.000 dân thì có 40 người mắc bệnh ung thư phổi. Ở TP.HCM là 30/100.000 người.

Ung thư phổi có tiên lượng xấu, tỉ lệ sống thêm 5 năm khoảng 15%. Sàng lọc và phát hiện sớm đem lại hiệu quả rất thấp ngay cả khi khối u được phát hiện sớm. Phòng bệnh bước 1 là rất quan trọng để hạ thấp tỉ lệ mắc ung thư phổi.

Hút thuốc lá là yếu tố có mặt trong 85% các trường hợp tử vong vì bệnh này. Những người nghiện thuốc lá có nguy cơ mắc cao gấp 20 – 40 lần so với người không hút thuốc lá. Các nguy cơ tiếp theo là khí radon, arsenic, asbestos, beryllium, hydrocarbones, khí nustard, tia phóng xạ…

Ung thư dạ dày chiếm 11,2%. 75% bệnh nhân ung thư dạ dày đi khám thì bệnh đã ở giai đoạn cuối. Các triệu chứng của ung thư dạ dày thường là mơ hồ và không đặc hiệu. Hay gặp nhất là chứng khó tiêu, có thể kèm theo khó chịu, đau âm ỉ, trướng bụng, ợ hơi, buồn nôn, chán ăn.

Những triệu chứng này dễ bị bỏ qua nhưng bạn phải đi khám khi những biểu hiện này kéo dài hơn 2 tuần. Ngoài ra, có thể có các biểu hiện nôn, gầy sút, mệt mỏi, thiếu máu, đau bụng hoặc đại tiện phân đen.

Những người nhiễm vi khuẩn HP, có tiền sử viêm loét dạ dày từ từng bị thiếu máu ác tính có nguy cơ ung thư dạ dày cao. Phát hiện sớm để phẫu thuật có hiệu quả cao, đạt tới 80% số người bệnh sống sau 5 năm. Sàng lọc bằng nội soi dạ dày 6 tháng 1 lần để chẩn đoán sớm bênh.

Ung thư đại trực tràng chiếm 9%. Tính chung cả nam và nữ tỉ lệ mắc là 7,5/100.000 dân. Đây là loại ung thư liên quan chặt chẽ tới chế độ dinh dưỡng, đặc biệt là ăn nhiều chất béo, đạm động vật, ít rau quả tươi.

Ung thư sẽ gây các rối loạn bài tiết phân, gây cản trở bít tắc lòng ruột và chảy máu vào trong lòng ruột gây đi ngoài ra máu. Khi sờ thấy khối u qua thành bụng thì ung thư đã ở giai đoạn muộn.

Phòng bệnh bằng cách giảm khẩu phần calo chất béo từ 40% xuống 25-30%; tăng cường hoa quả, ngũ cốc nguyên hạt vào bữa ăn; hạn chế thức ăn nhiều muối, lên men, xông khói, sấy khô;

Hạn chế gia vị vô bổ có thể gây ung thư như thực phẩm nhuộm, dầu thơm; tránh những chất gây biến đổi gene như thuốc trừ sâu, diệt cỏ, thuốc kích thích tăng trọng; không lạm dụng rượu, bia và các chất lên men khác.

Sàng lọc phát hiện sớm bằng thăm khám về tiêu hóa thường quy; xét nghiệm máu trong phân, soi trực tràng, đại tràng 3 năm/lần.

Ung thư tiền liệt tuyến chiếm 6,3%. Ở Mỹ đây là bệnh gây chết thứ 2 trong các bệnh ung thư ở nam giới. Tại Hà Nội, ung thư tiền liệt tuyến có tỉ lệ mắc chuẩn theo tuổi là 2,2/100.000 dân. Bệnh thường gặp ở độ tuổi trên 60 với biểu hiện tiểu khó, rắt, có khi tiểu máu hoặc bí tiểu…

Nhờ có kháng nguyên đặc hiệu cho tuyến tiền liệt PSA, bệnh được phát hiện sớm hơn nên gia tăng được thời gian sống thêm. Tỉ lệ sống 5 năm tại vùng là 100% và giảm xuống 34% khi có di căn xa.

Để phòng ngừa bệnh ung thư:

Không hút thuốc lá, thuốc lào; không sử dụng rượu bia, chất kích thích… Có chế độ ăn uống, dinh dưỡng phù hợp: ăn nhiều rau, quả. Hạn chế sử dụng chất béo, thịt đỏ, thức ăn chứa nhiều muối, tránh đồ uống có đường.

Không ăn thực phẩm mốc, ôi thiu, thực phẩm nhiễm hóa chất, thuốc trừ sâu, thuốc tăng trọng… Xây dựng chế độ tập luyện; nghỉ ngơi hợp lý; giữ tinh thần thoải mái; tích cực. Sinh hoạt tình dục lành mạnh, an toàn. Thực hiện tiêm chủng đầy đủ như tiêm ngừa viêm gan B…

Theo: tuoitre.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *