Phòng ung thư vòm họng do HPV

HPV có thể lây nhiễm vào khoang miệng và gây ung thư vòm họng sau nhiều năm, tiêm vaccine là biện pháp phòng bệnh được khuyến cáo.

Theo TS.BS Vũ Hữu Khiêm, Trưởng khoa Ung bướu, BVĐK Tâm Anh Hà Nội, nhiều nghiên cứu chỉ ra virus gây u nhú ở người (HPV) cũng gây ung thư. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết có 40 chủng HPV có thể lây lan trực tiếp ở vùng miệng, cổ họng và vùng sinh dục. Trong đó, HPV16 là chủng có khả năng cao gây ung thư vòm họng.

Về đường lây nhiễm, một số nghiên cứu cho rằng nhiễm HPV vùng miệng xuất phát từ đời sống tình dục phức tạp, có nhiều bạn tình. Một nghiên cứu thực hiện năm 2017 đăng trên Science Direct cho thấy hút thuốc cũng gây nguy cơ cao mắc ung thư vòm họng do HPV. Virus này còn có thể lây lan khi sử dụng chung đồ dùng với người nhiễm.

Hầu hết người bị nhiễm HPV không có dấu hiệu rõ rệt. Theo CDC, nhiều người tiếp xúc với virus, đa số tự khỏi trong vòng 1-2 năm, chỉ khoảng 10% người nhiễm kéo dài và có thể chuyển thành ung thư.

Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo mọi người không nên chủ quan với bệnh ung thư vòm họng do HPV. Lý do là bệnh phát triển tại họng dễ gây nhầm lẫn với bệnh đường hô hấp nên thường được phát hiện và điều trị muộn, diễn biến nhanh.

Phần hầu họng, gồm amidan, đáy lưỡi, khẩu cái mềm và thành sau họng là nơi HPV gây ung thư “trú ngụ”. Các triệu chứng gồm: đau họng kéo dài, đau tai, khàn giọng, sưng hạch bạch huyết, khó nuốt và sụt cân không rõ nguyên nhân.

Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc ung thư vòm họng chung là 12%, cao so với các bệnh khác. 70% người mắc ung thư vòm họng ở giai đoạn cuối, việc điều trị chỉ có ý nghĩa nâng cao chất lượng sống. Mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh, ghi nhận nhiều ở nam giới từ 40-60 tuổi.

Hiện không có xét nghiệm chuyên biệt nào để phát hiện sớm ung thư vòm họng do HPV. Các dấu hiệu có thể được phát hiện khi khám định kỳ, điều trị nha khoa, hoặc khám sàng lọc ung thư vòm họng.

Để phòng bệnh, bác sĩ khuyến cáo mọi người kiêng thuốc lá, rượu bia, đồ uống có cồn, không dùng chung đồ dùng cá nhân, hạn chế quan hệ tình dục không an toàn hoặc quan hệ bằng đường miệng. Những người có nguy cơ có thể thường xuyên tự kiểm tra trước gương hoặc đi khám để theo dõi vùng miệng, phát hiện bất thường từ sớm, ví dụ các mảng đổi màu, nốt sùi. Đồng thời, mọi người nên chủ động tiêm vaccine ngừa HPV để phòng các bệnh do virus này gây ra.

Tư vấn tiêm vaccine ngừa HPV tại Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC. Ảnh: Nguyễn An

Tư vấn tiêm vaccine ngừa HPV tại Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC. Ảnh: Nguyễn An

Bác sĩ CKI Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC, dẫn nghiên cứu trên 2.600 người tại Mỹ, cho thấy vaccine ngừa HPV giúp làm giảm 88% nguy cơ nhiễm virus này qua đường miệng. Hiện có hai loại vaccine gồm Gardasil và Gardasil 9, chỉ định tiêm cho người 9-26 tuổi. Gardasil ngừa 4 chủng và Gardasil 9 giúp ngừa 9 chủng HPV, đều ngừa chủng HPV-16 gây ung thư vòm họng, hiệu quả 94%. Vaccine Gardasil 9 có thể tiêm chủng cho nam và nữ, giúp phòng bệnh trong bối cảnh đàn ông có tỷ lệ thải loại HPV thấp hơn 26% so với phụ nữ và có tỷ lệ lưu hành HPV lên tới 91%.

“Tiêm ngừa vaccine HPV không chỉ có ý nghĩa bảo vệ sức khỏe cho từng cá nhân mà còn giúp giảm tỷ lệ lưu hành của virus trong cộng đồng, đặc biệt là khi vaccine Gardasil 9 đã mở rộng chỉ định trên trẻ em trai và nam giới”, bác sĩ Chính nói.

Theo: Chi Lê (nguồn: vnexpress)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *