Ung thư hạch bạch huyết hay còn gọi là ung thư hạch (u lympho) là do sự tăng sinh mất kiểm soát của tế bào bạch cầu lympho. Hệ bạch huyết là một phần trong hệ thống miễn dịch của cơ thể và bạch huyết, chứa các tế bào bạch cầu, giúp chống lại các tác nhân nhiễm trùng.
Chính vì vậy, nhiều trường hợp sốt, giảm cân không giải thích được có thể là dấu hiệu đầu tiên cảnh báo ung thư hạch bạch huyết.
10 tuổi sốt kéo dài, sụt cân không rõ nguyên nhân, đi khám mắc ung thư
Bệnh nhi 10 tuổi, được gia đình cho nhập viện với những biểu hiện ban đầu là ho và sốt kéo dài, sụt cân không rõ nguyên nhân. Theo lời kể của gia đình, trước khi nhập viện 3 tháng trẻ sốt nhẹ, gia đình nghĩ trẻ ốm thông thường nên tự mua thuốc cho uống nhưng tình trạng không đỡ.
Khoảng 15 ngày sau, thấy trẻ sụt cân nên gia đình đưa bé đến cơ sở y tế gần nhà để khám. Tại đây bé được chẩn đoán viêm phổi, nhưng sau 10 ngày tình trạng của trẻ cũng không thuyên giảm. Điều đặc biệt trẻ chỉ sốt nhẹ vào chiều tối, có ho, xuất hiện đờm trắng… nên gia đình đã đưa bé đến một bệnh viện khác.
Trẻ được điều trị nhưng tình trạng vẫn sốt nhẹ về chiều tối, ho nhiều kèm theo mệt mỏi. Sau 7 ngày điều trị, gia đình chuyển trẻ đến Bệnh viện Bạch Mai. Tại đây, các bác sĩ khám thấy bệnh nhi có sốt, phổi thông khí đều, tim đều, gan lách không to, không suy hô hấp. Không có mụn nhọt hay nốt bất thường trên da, các hạch ngoại biên không to.
Kết quả xét nghiệm máu và hình ảnh chụp X-quang tim phổi cho thấy phổi bị tổn thương, dày thành phế quản, các bác sĩ chỉ định cho trẻ nhập viện với chẩn đoán ban đầu là viêm phổi. Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm tác nhân nhiễm khuẩn bác sĩ nghi ngờ tổn thương phổi do nhóm vi khuẩn không điển hình và điều trị theo phác đồ viêm phổi do vi khuẩn không điển hình.
Sau hai ngày điều trị và theo dõi, tình trạng lâm sàng của trẻ không thuyên giảm, tổn thương phổi không thay đổi trên phim X-quang ngực. Nên trẻ được chỉ định làm các xét nghiệm chuyên sâu để tìm nguyên nhân.
Với nghi ngờ khối tổn thương ở phổi do bệnh lý ác tính (u lympho) nên bệnh nhi được chỉ định chụp PET/ CT và xét nghiệm mô bệnh học và kết quả cho thấy bệnh nhi được chẩn đoán là u lympho Hodgkin giai đoạn IV.
U lympho Hodgkin phổ biến hơn ở trẻ trên 5 tuổi
U lympho Hodgkin có thể gặp ở trẻ em ở mọi lứa tuổi, nhưng phổ biến ở trẻ em trên 5 tuổi. Bệnh u lympho Hodgkin có thể còn xuất hiện ở những người lớn trẻ tuổi. Theo nghiên cứu, trẻ trai thường bị bệnh nhiều hơn, ở lứa tuổi thanh thiếu niên thì tỷ lệ trẻ trai và gái mắc bệnh như nhau.
Nguyên nhân chính xác của bệnh u lympho Hodgkin chưa được biết rõ. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều bằng chứng là nhiễm khuẩn (ví dụ như virus gây ra bệnh sốt và sưng hạch), có thể có vai trò trong sự phát triển của bệnh u lympho Hodgkin.
Triệu chứng u lympho Hodgkin
Dấu hiệu đầu tiên của bệnh u lympho Hodgkin thường là sưng to nhưng không đau của một hạch, hoặc một nhóm các hạch kéo dài trong vài tuần. Những hạch đầu tiên bị ảnh hưởng thường là ở cổ, hầu hết thường chỉ ở một bên cổ, ở một vùng nhỏ trên xương đòn.
Đôi khi, các hạch to ra có thể dính với nhau ở vùng nách hoặc bẹn. Nếu các hạch ở ngực bị ảnh hưởng có thể gây ra chứng ho, khó chịu hoặc là khó thở.
Đôi khi, trẻ bị bệnh u lympho Hodgkin có thể bị sốt hoặc sốt cao, ra mồ hôi về đêm, ngứa, khó chịu hoặc bị sụt cân. Nhiều trẻ có biểu hiện ăn kém hoặc sụt cân không giải thích được ( >10% trọng lượng cơ thể trong 6 tháng)… là dấu hiệu đầu tiên phải nhập viện.
Vì vậy, việc phát hiện sớm bệnh từ giai đoạn khởi phát là rất quan trọng. Nếu cha mẹ thấy trẻ sốt, sốt nhẹ về chiều, sụt cân… cần đưa trẻ tới cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị. Việc phát hiện muộn sẽ dẫn đến việc điều trị khó khăn. Bệnh có thể để lại nhiều di chứng trên cơ thể trẻ hoặc có tiên lượng xấu.
Theo: suckhoedoisong.vn
Ung thư hay các bệnh hiểm nghèo khác không phải là dấu chấm hết, nhưng với điều kiện là phát hiện sớm. Vì thế, các chuyên gia y tế khuyến khích người dân có chế độ ăn uống lành mạnh, thể dục thể thao hợp lý và gặp gỡ bác sĩ để được tư vấn danh mục khám định kỳ phù hợp dựa trên nhu cầu riêng, độ tuổi, giới tính, tiền sử gia đình, tiền sử bản thân, chế độ sinh hoạt, thói quen ăn uống, các vấn đề sức khỏe hiện tại.