Từ 50 tuổi, phải chú ý đến những vấn đề sức khỏe nào?

Một số bệnh mạn tính có xu hướng bắt đầu xuất hiện từ tuổi 50. Tiến sĩ Renuka Tipirnei, bác sĩ nội khoa, Phó giáo sư tại Khoa Y học tổng hợp, Đại học Michigan (Mỹ), cho biết: Chúng tôi thấy một số bệnh mạn tính thường được chẩn đoán bắt đầu ở tuổi 50.

Vì vậy, nếu bạn đã bước qua ngưỡng tuổi 50, hãy cẩn thận: Nhớ kiểm tra các bệnh sau trước khi có vấn đề!

1. Tiểu đường, huyết áp cao, cholesterol cao

Đây là những căn bệnh phổ biến nhất ở tuổi từ 50 trở lên. Bệnh tiểu đường khiến lượng đường trong máu tăng cao làm tổn thương động mạch, trong khi huyết áp cao làm dày cơ tim và nếu tình trạng trở nên mạn tính có thể dẫn đến suy tim.

Ngoài ra, cholesterol cao là yếu tố nguy cơ khiến mạch máu bị co thắt và tắc nghẽn. Nếu nặng có thể gây đột quỵ và đau tim.

Vì vậy, cần tránh ăn đồ ngọt, nhiều dầu mỡ và đồ mặn, bỏ hút thuốc, uống rượu, kiểm soát trọng lượng cơ thể và căng thẳng. Cần kiểm tra sức khỏe hằng năm.

2. Bệnh tim

Sự tích tụ mảng bám trong động mạch là nguyên nhân chính gây ra bệnh tim. Nó bắt đầu từ thời thơ ấu và trở nên nặng hơn khi già đi. Trong nhóm tuổi từ tuổi 40 đến 59, có 6,3% nam giới và 5,6% phụ nữ mắc bệnh tim. Nhưng đến độ tuổi từ 60 đến 79, tỷ lệ mắc bệnh tim tăng lên gần 20% ở nam giới và 9,7% ở nữ giới, theo chuyên trang y tế WebMD.

3. Béo phì

Tình trạng này có liên quan đến ít nhất 20 bệnh mạn tính, bao gồm bệnh tim, đột quỵ, tiểu đường, ung thư, huyết áp cao và viêm khớp. Thống kê cho thấy trong lứa tuổi từ 40 đến 59, gần 45% số người bị béo phì.

Vì vậy, một khi đã bước qua tuổi này, bạn cần đặc biệt chú trọng đến việc ăn uống và tập luyện để kiểm soát cân nặng.

4. Phì đại tuyến tiền liệt

Phì đại tuyến tiền liệt thường xảy ra ở nam giới trên 45 tuổi

Phì đại tuyến tiền liệt thường xảy ra ở nam giới trên 45 tuổi. Pexels

Điều này thường xảy ra ở nam giới trên 45 tuổi.

Các triệu chứng là muốn đi tiểu thường xuyên vào ban đêm, không thể nhịn tiểu, phải “rặn” để đi tiểu hoặc không thể đi tiểu hết. Người bệnh cũng có thể cảm thấy dòng nước tiểu yếu, không thể làm trống bàng quang hoặc rất mắc tiểu.

Nếu gặp bất kỳ triệu chứng nào hãy đi khám ngay. Nếu không, có thể dẫn đến nhiễm trùng đường tiết niệu, nước tiểu có máu, viêm thận và cuối cùng là suy thận.

5. Ung thư

Tuổi tác là yếu tố nguy cơ lớn nhất đối với ung thư. Căn bệnh này cũng ảnh hưởng đến những người trẻ tuổi, nhưng tỷ lệ mắc bệnh cao hơn gấp đôi ở độ tuổi từ 45 đến 54, theo WebMD.

Các loại ung thư thường gặp ở người từ 50 tuổi trở lên bao gồm đại tràng, vú, cổ tử cung, gan, tuyến tiền liệt, buồng trứng, tuyến tụy…

Các triệu chứng đáng chú ý bao gồm đại tiểu tiện bất thường hoặc có máu, u cục bất thường trên ngực hoặc bụng, vàng da, trướng bụng, ngứa, xuất huyết bất thường ở vùng kín, chán ăn, đầy bụng, khó tiêu, sụt cân, đau lưng…

6. Viêm xương khớp

Một tình trạng xuất hiện ở độ tuổi 50 nhưng thường bị bỏ qua là viêm xương khớp.

Bác sĩ Tipirnei nói: Bệnh có thể nghiêm trọng ở tuổi trẻ hơn, viêm xương khớp đầu gối có thể gặp ở lứa tuổi trên 45. Tuy nhiên, người trên 50 tuổi sẽ đau khớp nhiều hơn.

Các triệu chứng chung bao gồm đau đầu gối khi ngồi xổm, quỳ hoặc ngồi gập chân, lên hoặc xuống cầu thang. Cơn đau có thể nghiêm trọng đến mức không thể chịu nổi.

Ngoài việc khám để điều trị, cần chú ý tránh ngồi xổm, quỳ hoặc ngồi xếp bằng, giữ cân nặng khỏe mạnh và tập thể dục thường xuyên.

7. Bệnh về mắt

Khi già đi, mắt sẽ thoái hóa một cách tự nhiên

Khi già đi, mắt sẽ thoái hóa một cách tự nhiên. Pexels

Khi già đi, mắt sẽ thoái hóa một cách tự nhiên. Các bệnh về mắt thường gặp bao gồm tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể và thoái hóa điểm vàng.

Vì vậy, cần khám mắt định kỳ để phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Theo: thanhnien.vn

Ung thư hay các bệnh hiểm nghèo khác không phải là dấu chấm hết, nhưng với điều kiện là phát hiện sớm. Vì thế, các chuyên gia y tế khuyến khích người dân có chế độ ăn uống lành mạnh, thể dục thể thao hợp lý và gặp gỡ bác sĩ để được tư vấn danh mục khám định kỳ phù hợp dựa trên nhu cầu riêng, độ tuổi, giới tính, tiền sử gia đình, tiền sử bản thân, chế độ sinh hoạt, thói quen ăn uống, các vấn đề sức khỏe hiện tại.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *