U tuyến giáp

U tuyến giáp là một khối tế bào tăng trưởng bất thường ở tuyến giáp, đa phần lành tính, chỉ một số ít là ung thư.

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Trúc, khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM.

U tuyến giáp (nhân giáp) là bệnh nội tiết ngày càng phổ biến. Với sự phát triển của chẩn đoán hình ảnh, tần suất phát hiện nhân giáp có xu hướng gia tăng.

90% nhân giáp được phát hiện là lành tính. Số rất ít nhân giáp là ung thư nhưng không gây ra bất kỳ triệu chứng nào.

Phân loại

U tuyến giáp được chia ra hai dạng u ác tính và lành tính.

U tuyến giáp ác tính bao gồm ung thư tuyến giáp thể biệt hóa (dạng nhú và dạng nang), ung thư tuyến giáp thể tủy và ung thư tuyến giáp thể không biệt hóa.

U tuyến giáp lành tính có thể ở dạng bướu giáp đơn nhân, đa nhân, u nang (chứa đầy chất lỏng) hoặc u dạng đặc.

Yếu tố nguy cơ

Ai cũng có thể bị u tuyến giáp, kể cả trẻ em và người lớn. Tuy nhiên, bệnh phổ biến hơn ở nữ giới, tăng dần theo độ tuổi và ở vùng thiếu iốt.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ hình thành u tuyến giáp gồm người từng xạ trị tuyến giáp, tiền sử gia đình có người bị u giáp hoặc ung thư tuyến giáp, người lớn tuổi, thiếu máu, hút thuốc, béo phì, hội chứng chuyển hóa, uống nhiều rượu bia, phụ nữ có u xơ tử cung.

Triệu chứng

Hầu hết u tuyến giáp không gây ra triệu chứng, thường được phát hiện tình cờ.

Trường hợp u lớn, người bệnh có thể có cảm giác khó nuốt, khó thở, khàn tiếng, thay đổi giọng nói, đau cổ…

Các u tuyến giáp hoạt động quá mức (nhân nóng) có thể dẫn đến sản xuất quá nhiều hormone tuyến giáp (cường giáp). Khi đó, người bệnh có các dấu hiệu như tim đập nhanh, run rẩy, lo lắng, giảm cân, chán ăn, tiêu chảy, khó ngủ, rối loạn kinh nguyệt.

Trường hợp nhân giáp giảm hoạt động bài tiết hormone (nhân lạnh) dễ dẫn đến suy giáp. Triệu chứng bệnh gồm mệt mỏi, tê và ngứa ran ở tay, tăng cân, da và tóc khô, táo bón, trầm cảm…

U tuyến giáp thường không gây ra triệu chứng, nếu u lớn có thể đau cổ. Ảnh minh họa: Freepik

U tuyến giáp thường không gây ra triệu chứng, nếu u lớn có thể đau cổ. Ảnh minh họa: Freepik

Chẩn đoán và điều trị

Khi phát hiện nhân giáp, người bệnh sẽ được đánh giá nguy cơ ác tính dựa trên hình ảnh siêu âm. Nếu nhân giáp lành tính thì sẽ theo dõi định kỳ trong vòng 6-12 tháng một lần. Trường hợp nhân giáp nghi ngờ ung thư, bệnh nhân sẽ được làm tế bào học tuyến giáp để định hướng chẩn đoán và chọn phương pháp điều trị.

Các phương pháp phổ biến được sử dụng để điều trị u tuyến giáp gồm:

Phẫu thuật được chỉ định chính trong trường hợp ung thư hoặc nghi ngờ ung thư tuyến giáp trên tế bào học, bướu giáp to gây ra triệu chứng chèn ép. Phẫu thuật có thể cắt bán phần hoặc cắt toàn phần tuyến giáp.

Điều trị nhân giáp bằng đốt sóng cao tần là phương pháp điều trị mới nhất hiện nay, được chỉ định cho các nhân lớn, lành tính của tuyến giáp gây triệu chứng.

Phần lớn trường hợp có u tuyến giáp là lành tính và không gây nguy hiểm đến sức khỏe, nhưng vẫn có một số trường hợp ung thư. Ung thư tuyến giáp thường có tiên lượng tốt nếu được chẩn đoán và điều trị tích cực. Người bệnh nên có kế hoạch tầm soát u tuyến giáp để phát hiện sớm và điều trị kịp thời, tránh di căn, biến chứng nặng.

Theo: vnexpress.net

Ung thư hay các bệnh hiểm nghèo khác không phải là dấu chấm hết, nhưng với điều kiện là phát hiện sớm. Vì thế, các chuyên gia y tế khuyến khích người dân có chế độ ăn uống lành mạnh, thể dục thể thao hợp lý và gặp gỡ bác sĩ để được tư vấn danh mục khám định kỳ phù hợp dựa trên nhu cầu riêng, độ tuổi, giới tính, tiền sử gia đình, tiền sử bản thân, chế độ sinh hoạt, thói quen ăn uống, các vấn đề sức khỏe hiện tại.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *