U tuyến tùng có điều trị được không?

Bác sĩ chẩn đoán tôi bị u tuyến tùng. Đây là bệnh gì, có nguy hiểm không và điều trị thế nào? (Văn Thành, Tiền Giang)

Trả lời:

U tuyến tùng là khối u nằm ở vị trí tuyến tùng – một tuyến nội tiết nhỏ nằm sâu trong nhu mô não, gần trung tâm não. Khối u vùng tuyến tùng khá hiếm gặp, chiếm khoảng 1% trong các ca u não ở người lớn. Tỷ lệ này ở trẻ em dao động trong khoảng 3-11%.

Các dấu hiệu thường gặp của u tuyến tùng là buồn nôn, nôn ói, đau đầu, rối loạn nhìn, rối loạn nhịp thở, đau lưng.. Nếu không điều trị kịp thời, u tuyến tùng có thể gây ra tình trạng não úng thủy do khối u chèn ép cống não và não thất III. U tuyến tùng còn gây chèn ép cuống não trên, tiểu não, hố sau của não… gây ra nhiều rối loạn như nhìn mờ, khó ngước mắt, đau đầu, rối loạn tiêu hóa do tăng áp lực nội sọ…

Người bệnh sẽ được chụp MRI, CT scan, thăm dò định lượng AFP, HCG và sinh thiết, để chẩn đoán bệnh u tuyến tùng. Xung quanh tuyến tùng có rất nhiều mạch máu nên việc phẫu thuật thường là thách thức với các bác sĩ.

Mục tiêu của điều trị u tuyến tùng là loại bỏ càng nhiều khối u càng tốt, không làm khối u di căn. Hiện, có 5 phương pháp điều trị u tuyến tùng bao gồm:

Phẫu thuật: Đây là phương pháp có thể cắt bỏ hoàn toàn khối u. Với khối u ác tính, phẫu thuật sẽ loại bỏ một phần khối u và sau đó kết hợp điều trị bằng các phương pháp khác như hóa trị hoặc xạ trị. Phẫu thuật u tuyến tùng là một kỹ thuật khó, đòi hỏi bác sĩ có chuyên môn, cao với sự hỗ trợ của máy móc hiện đại. Hiện, robot mổ não thế hệ mới Modus V Synaptive đang được ứng dụng phẫu thuật u tuyến tùng hiệu quả.

Xạ trị: Người bệnh được chỉ định xạ trị trong trường hợp khối u tuyến tùng là u tế bào mầm hoặc u nguyên bào. Các chùm tia phóng xạ liều cao sẽ làm hỏng các tế bào u, ngăn chúng phát triển và phân chia. Phương pháp này không được áp dụng cho trẻ dưới ba tuổi.

Hóa trị: Trẻ dưới ba tuổi có thể được hóa trị để điều trị u tuyến tùng. Hóa trị được áp dụng cho trường hợp sau xạ trị các u nguyên bào.

Liệu pháp miễn dịch: Phương pháp này sử dụng thuốc để kích thích hệ miễn dịch của người bệnh, giúp hệ miễn dịch tấn công vào các tế bào u.

Thuốc điều trị nhắm mục tiêu (Targeted Therapy): Thuốc có khả năng ngăn chặn các hoạt động của một số enzyme, protein và những phân tử khác liên quan đến sự lây lan, tăng sinh của tế bào u não.

U tuyến tùng có thể điều trị bằng một phương pháp cụ thể hoặc kết hợp nhiều kỹ thuật với nhau. Trong và sau quá trình điều trị, người bệnh có thể gặp các tác dụng phụ như đau đầu, mệt mỏi, nôn mửa, mất tập trung, rụng tóc, khô và ngứa da, phát ban, tăng huyết áp, sưng phù tay chân, rối loạn nhịp tim…

Người bệnh cần xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh, bổ sung đầy đủ các nhóm chất cần thiết cho cơ thể, ăn đa dạng thực phẩm như thịt bò, lợn, rau xanh, trứng, trái cây… để cơ thể có đủ sức chống lại tác dụng phụ của quá trình điều trị. Vận động nhẹ nhàng, tập thở, cử động tay chân… giúp người bệnh dễ ngủ, tinh thần ổn định.

ThS.BS.CKII Chu Tấn Sĩ
Trưởng khoa Ngoại Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM

Theo: vnexpress.net

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *