Ung thư lưỡi có điều trị khỏi hoàn toàn và phòng ngừa được không?

Vài năm gần đây, số ca ung thư lưỡi ngày càng gia tăng tại Việt Nam. Trong đó, chủ yếu là nam giới trên 50 tuổi với các triệu chứng không rõ ràng nên người bệnh dễ bị bỏ qua.

Ông T.T.A. (56 tuổi, ngụ ở Bình Định) chia sẻ, ông phát hiện ung thư lưỡi từ tháng 3/2003. Trước Tết, ông A. thấy lưỡi đau rát, khó chịu, sau đó, lưỡi xuất hiện nốt phồng và to dần. Nghĩ đó là nhiệt miệng nên ông A. mua kem trị nhiệt miệng và ngâm nha đam nhưng không đỡ.

Cuối tháng 2/2023, vết loét ở lưỡi loang rộng hơn và đau rát, ông A. không thể ăn uống, nói chuyện, người nhà phải xay cháo cho ông ăn. Lúc đó, ông A. mới đi bệnh viện thăm khám. Kết quả sinh thiết cho thấy ông A. mắc ung thư lưỡi giai đoạn 3. Được biết, ông A. có tiền sử hút thuốc lá hơn 20 năm, một tuần uống khoảng 3 bữa rượu.

ThS.BS Trần Ngọc Tường Linh – Khoa Tai mũi họng, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết, ung thư lưỡi là tình trạng biến đổi tế bào niêm mạc lưỡi thành tế bào ung thư và càng ngày càng lan rộng. Ung thư lưỡi có thể gây ảnh hưởng tới khả năng nói, nuốt của người bệnh và có thể di căn xa tới các cơ quan khác, ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh.

Nguyên nhân gây ung thư lưỡi

Theo ThS.BS Trần Ngọc Tường Linh, ung thư lưỡi là do tế bào tăng sinh một cách bất thường biến thành tế bào ung thư. Có nhiều tác nhân gây ra ung thư, ví dụ như: thuốc lá, rượu bia, vệ sinh răng miệng kém hoặc tiếp xúc với virus HPV.

Bệnh ưng thư lưỡi giai đoạn đầu các triệu chứng thường không rõ ràng nên rất dễ bị bỏ qua. Thường người bệnh có cảm giác như có dị vật hoặc xương cá cắm vào lưỡi, rất khó chịu nhưng qua đi nhanh. Ngoài ra ở lưỡi có một điểm nổi phồng, niêm mạc trắng, xơ hóa hoặc tổn thương là vết loét nhỏ. Có những người có thể sờ thấy tổn thương chắc, rắn, không mềm mại như bình thường.

Khoảng 50% bệnh nhân có hạch ngay từ đầu. Sau đó, đến giai đoạn toàn phát khiến bệnh nhân đau khi ăn uống, khó khăn khi nói, nuốt. Người bệnh có thể sốt do nhiễm khuẩn, không ăn được nên cơ thể mệt mỏi, suy sụp rất nhanh…

Tuy nhiên, theo bác sĩ Tường Linh, dấu hiệu đáng chú ý nhất của ung thư lưỡi là vết loét không lành trên lưỡi và đau.

“Đa số các bệnh nhân có tình trạng sùi hoặc loét ở bề mặt lưỡi và nốt loét, sùi này không biến mất theo thời gian giống như những vết loét thông thường. Sau 2 tuần, nếu các bạn thấy vết loét không tự phục hồi thì nên đến viện thăm khám để loại trừ bệnh ung thư lưỡi”, bác sĩ Tường Linh nói.

Phân biệt ung thư lưỡi và ung thư vòm mũi họng

Cũng theo bác sĩ Tường Linh, ung thư lưỡi và ung thư vòm mũi họng đều là hai loại ung thư phổ biến của vùng đầu mặt cổ. Tuy nhiên bản chất của hai loại khối u này khác nhau bởi ở hai vị trí khác nhau và phương pháp điều trị cũng khác nhau. Cụ thể, đối với ung thư vòm mũi họng thì chủ yếu là điều trị xạ trị còn đối với ung thư lưỡi thì sẽ là điều trị phẫu thuật kết hợp với hóa xạ trị sau đó.

Nếu người bệnh có nốt sùi, vết loét không lành, sau một thời gian bị chảy máu, gây đau và khó chịu trong miệng thì cần phải đến cơ sở y tế, các bác sĩ sẽ thăm khám và sờ vết loét, nốt sùi đó. Nếu vết loét, nốt sùi đó gây ra cứng mô xung quanh thì càng gia tăng khả năng bị ung thư. Lúc đó, bác sĩ sẽ đề nghị sinh thiết để xem vết loét, nốt sùi đó có phải là ung thư lưỡi hay chỉ là vết loét, sùi thông thường.

ThS.BS Trần Ngọc Tường Linh cho biết, phương pháp điều trị ung thư lưỡi được khuyến khích là phẫu trị. Theo đó khối u ung thư sẽ được cắt bỏ với biên rộng xung quanh và chừa lại những mô lành. Sau khi phẫu thuật, người bệnh sẽ được đánh giá giải phẫu bệnh và hỗ trợ điều trị bằng hóa trị, xạ trị sau đó.

Dấu hiệu đáng chú ý nhất của ung thư lưỡi là vết loét không lành trên lưỡi và đau. Ảnh minh họa

Điều trị ung thư lưỡi có khỏi hoàn toàn không?

Hiện nay điều trị ung thư lưỡi theo phương pháp đa mô thức (nhiều phương pháp điều trị). Ung thư lưỡi phát hiện ở giai đoạn sớm thì có thể được phẫu thuật tạo hình lại, phục hồi chức năng nói nuốt, quay lại cuộc sống thường nhật.

Sau điều trị, tỉ lệ sống từ 5 năm trở lên có thể lên tới 70%. Nếu ung thư lưỡi được phát hiện sớm thì khả năng điều trị thành công cao. Ngược lại, nếu để trễ, ung thư lưỡi không chỉ lan rộng ra lưỡi đối diện, xung quanh mà còn di căn các vị trí xa hơn như phổi, xương, lúc đó sẽ ảnh hưởng đến chất lượng sống cũng như thời gian sống của người bệnh.

Ung thư lưỡi có phòng ngừa được không?

Theo bác sĩ Tường Linh, ung thư lưỡi có thể phòng ngừa được nếu như hạn chế rượu bia, thuốc lá, vệ sinh răng miệng tốt, phòng tránh được virus HPV cũng như phòng tránh các tác nhân gây ung thư khác như tránh ăn trầu cau.

Người dân còn phòng ngừa ung thư lưỡi được bằng cách thường xuyên để ý đến các bất thường các vết loét, sùi trên bề mặt lưỡi, nếu sau 7-10 ngày không lành thì phải đến các cơ sở y tế để dược tư vấn và điều trị chuyên sâu hơn.

Riêng với tác nhân là virus HPV (gây ra u nhú ở người), nhóm virus này gây ra tình trạng ung thư lưỡi cũng tương tự như ung thư cổ tử cung ở phụ nữ. Để tránh lây nhiễm virus HPV, mọi người cần vệ sinh răng miệng sạch sẽ, tuân thủ chế độ quan hệ một vợ một chồng,

“Người dân cần lưu ý rằng khi có tổn thương trên bề mặt lưỡi 2 tuần không đỡ nên đi khám để loại trừ nguy cơ mắc ung thư”, bác sĩ Tường Linh khuyến cáo.

Theo: suckhoedoisong.vn

Ung thư hay các bệnh hiểm nghèo khác không phải là dấu chấm hết, nhưng với điều kiện là phát hiện sớm. Vì thế, các chuyên gia y tế khuyến khích người dân có chế độ ăn uống lành mạnh, thể dục thể thao hợp lý và gặp gỡ bác sĩ để được tư vấn danh mục khám định kỳ phù hợp dựa trên nhu cầu riêng, độ tuổi, giới tính, tiền sử gia đình, tiền sử bản thân, chế độ sinh hoạt, thói quen ăn uống, các vấn đề sức khỏe hiện tại.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *