Ung thư lưỡi

Khối u hoặc vết loét kéo dài ở lưỡi có thể phát triển thành ung thư, gây đau, khó nuốt, chảy máu trong miệng.

Ung thư lưỡi xảy ra khi các tế bào phân chia ngoài tầm kiểm soát và hình thành một hoặc nhiều khối u. Bệnh chia làm hai loại, gồm ung thư lưỡi miệng ảnh hưởng đến phần đầu lưỡi có thể nhô ra ngoài và ung thư gốc lưỡi – phần kết nối với cổ họng. Loại ung thư này ít phổ biến, thường gặp ở người lớn tuổi, hiếm ở trẻ em.

Nguyên nhân

Virus u nhú ở người (HPV) có thể gây ung thư gốc lưỡi. Những yếu tố khác tăng nguy cơ mắc bệnh như hút thuốc lá, uống rượu thường xuyên. Trong đó, thuốc lá là yếu tố thường gặp nhất dẫn đến ung thư lưỡi. Đàn ông dễ bị ung thư lưỡi hơn phụ nữ do tỷ lệ hút thuốc lá và uống rượu ở nam giới cao hơn.

Những người có răng lởm chởm, thói quen chăm sóc răng miệng kém cũng góp phần làm tăng nguy cơ. Loại ung thư này có yếu tố di truyền.

Triệu chứng

Một trong những dấu hiệu đầu tiên là xuất hiện khối u hoặc vết loét không biến mất ở một bên lưỡi. Vết loét có màu đỏ hồng dễ chảy máu khi chạm vào. Người bệnh có thể bị đau bên trong và gần lưỡi, thay đổi giọng nói, khàn giọng, khó nuốt, tê miệng hoặc lưỡi, sưng hàm.

Ung thư gốc lưỡi khó nhận thấy u hoặc vết loét. Nha sĩ có thể phát hiện các dấu hiệu bất thường như khối u ở phía sau miệng, cổ họng hoặc cổ khi khám sức khỏe. Triệu chứng bệnh ở giai đoạn tiến triển gồm sưng hạch bạch huyết ở cổ, ho ra máu, sụt cân, đau tai, đau họng không biết mất.

Đau họng, khó nuốt có thể là dấu hiệu ung thư lưỡi. Ảnh: Freepik

Đau họng, khó nuốt có thể là dấu hiệu ung thư lưỡi. Ảnh: Freepik

Phòng ngừa

Phòng ngừa ung thư lưỡi bằng cách không hút thuốc lá, hạn chế tối đa rượu, bia. Nam giới không uống quá hai ly rượu, nữ giới tối đa một ly rượu mỗi ngày để tránh ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Nhiều trường hợp ung thư đáy lưỡi là do HPV gây ra, do đó, nên tiêm vaccine phòng ngừa loại virus này.

Khám sức khỏe và nha khoa định kỳ cũng là cách kiểm tra miệng, sớm phát hiện dấu hiệu ung thư và những thay đổi tiền ung thư.

Chẩn đoán và điều trị

Bác sĩ hỏi các triệu chứng của bệnh nhân và kiểm tra miệng. Một số phương pháp như chụp X-quang hoặc chụp cắt lớp vi tính (CT), lấy mẫu mô từ miệng để xét nghiệm (sinh thiết) thường được chỉ định để chẩn đoán bệnh.

Điều trị phụ thuộc vào vị trí và kích thước khối u. Người bệnh có thể được phẫu thuật loại bỏ khối u. Nếu ung thư ở phía sau lưỡi, xạ trị, hóa trị được chỉ định tùy từng trường hợp. Sau điều trị, bệnh nhân có thể nhai, cử động lưỡi tốt hơn.

Theo: vnexpress.net

Ung thư hay các bệnh hiểm nghèo khác không phải là dấu chấm hết, nhưng với điều kiện là phát hiện sớm. Vì thế, các chuyên gia y tế khuyến khích người dân có chế độ ăn uống lành mạnh, thể dục thể thao hợp lý và gặp gỡ bác sĩ để được tư vấn danh mục khám định kỳ phù hợp dựa trên nhu cầu riêng, độ tuổi, giới tính, tiền sử gia đình, tiền sử bản thân, chế độ sinh hoạt, thói quen ăn uống, các vấn đề sức khỏe hiện tại.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *