Ung thư tai mũi họng

Ung thư tai mũi họng thường gặp nhất trong các loại ung thư vùng đầu cổ, có thể xuất hiện ở hốc mũi xoang, vòm mũi họng, khoang miệng, tuyến nước bọt.

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS.BS.CKII Trần Thị Thúy Hằng, Trưởng khoa Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM.

Theo số liệu thống kê của Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Thế giới (IARC), năm 2022, ung thư tai mũi họng đứng thứ 9 trong số 10 loại ung thư phổ biến nhất tại Việt Nam, chiếm 3,1%. Tỷ lệ tử vong do ung thư tai mũi họng đứng thứ 8, chiếm 2,9%.

Triệu chứng

  • Vết loét ở lưỡi hoặc miệng không lành.
  • Có các mảng trắng hoặc đỏ ở nướu, lưỡi hoặc trong miệng.
  • Khàn giọng.
  • Đau đầu thường xuyên.
  • Khó nuốt, đau họng kéo dài.
  • Nhiễm trùng xoang thường xuyên, không đáp ứng với điều trị.
  • Đau tai dai dẳng.
  • Đau ở hàm trên, sưng mặt.
  • Nước bọt có máu hoặc chảy máu từ mũi, miệng…

Nguyên nhân

Do virus Epstein Barr (EBV)

E.B.V khi vào cơ thể sẽ làm biến đổi cấu trúc gene làm cho những tế bào lành biến thành tế bào ung thư. Tuy nhiên không phải những bệnh nhân nào mắc virus Epstein Barr cũng bị ung thư vòm họng.

Do gene di truyền

Gene nhóm HLA làm tăng khả năng mắc bệnh ung thư vòm họng. Người có bố, mẹ, anh, chị, em mắc ung thư vòm họng thì người đó có nguy cơ mắc bệnh cao hơn những người bình thường.

Ngoài ra, các yếu tố nguy cơ gây ung thư tai mũi họng là hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia.

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh như nhiễm papillomavirus (HPV), tiếp xúc thường xuyên với tia cực tím, bụi gỗ hoặc các chất độc hại, xạ trị vùng đầu cổ, người cao tuổi.

Chẩn đoán và điều trị

Tầm soát ung thư tai mũi họng là quy trình kết hợp giữa khám lâm sàng với các xét nghiệm tầm soát dấu ấn sinh học (như EBV-VCA IgA, định lượng SCC, định lượng Calcitonin, định lượng Anti-Tg, định lượng CEA) nhằm phát hiện bệnh ngay từ giai đoạn sớm, khi chưa xuất hiện triệu chứng rõ ràng trên lâm sàng.

Có 4 phương pháp tầm soát ung thư tai mũi họng.

Khám và nội soi: Bác sĩ kiểm tra các vấn đề liên quan đến đầu cổ và tai mũi họng của bệnh nhân, bao gồm nội soi kiểm tra các cấu trúc tai mũi họng thanh quản; đo chức năng thính giác, tiền đình, thanh học; khám có hạch cổ bệnh lý không.

Bác sĩ dựa vào các triệu chứng của người bệnh để khoanh vùng khu vực tổn thương, nghi ngờ vị trí ung thư, từ đó chỉ định thực hiện xét nghiệm cận lâm sàng.

Bác sĩ Hằng nội soi cho người bệnh. Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM

Bác sĩ Hằng nội soi cho người bệnh. Ảnh minh họaBệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM

Siêu âm: Siêu âm Doppler u tuyến, hạch vùng cổ là phương pháp sử dụng sóng siêu âm để khảo sát hình ảnh các cấu trúc bên trong cổ, thực hiện bởi đầu dò của máy di chuyển trên vùng cổ thông qua một lớp gel chuyên dụng, giúp phản ánh các tổn thương hay những bất thường bên trong vùng cổ. Đây là phương pháp chẩn đoán an toàn, không xâm lấn, dễ thực hiện với thời gian và chi phí hợp lý.

Nội soi tai mũi họng có tương phản quang phổ mạch máu sử dụng ống nội soi có gắn camera và thấu kính chuyên dụng để kiểm tra lớp niêm mạc bên trong vùng tai mũi họng, quan sát rõ các tổn thương bất thường ở khu vực này, quan sát rõ tăng sinh mạch máu của khối u nghi ngờ ung thư.

Hiện, nội soi tai mũi họng ống mềm dễ uốn cong, ít làm bệnh nhân khó chịu hơn so với ống cứng. Tuy nhiên, nội soi ống cứng cho hình ảnh tổn thương sắc nét hơn nội soi ống mềm.

Xét nghiệm máu giúp tầm soát ung thư tai mũi họng, thường gồm 5 loại là xét nghiệm EBV-VCA IgA, xét nghiệm định lượng SCCA, xét nghiệm định lượng Calcitonin, xét nghiệm Anti-Tg, xét nghiệm CEA. Tùy tình trạng người bệnh, bác sĩ chỉ định xét nghiệm phù hợp.

Người bệnh nên hạn chế ăn trước khi khám và xét nghiệm hai tiếng để tránh bị nôn ói, trào ngược khi khám họng bằng phương pháp nội soi, cho kết quả chính xác hơn.

Người bệnh chỉ uống nước lọc, không sử dụng thức uống có chứa chất kích thích như rượu, bia, cà phê, nước ngọt có ga, các loại nước ép trái cây, không hút thuốc lá trước khi đi khám, mặc trang phục thoải mái.

Phòng ngừa

Để giảm nguy cơ ung thư tai mũi họng, nên hạn chế uống rượu bia, không hút thuốc lá, tránh các tác nhân ung thư, chích ngừa vaccine. Người hút nhiều thuốc lá, người thường xuyên hít khói thuốc lá thụ động, uống nhiều rượu bia, tiền sử gia đình có người mắc ung thư tai mũi họng, người cao tuổi, nam giới nên tầm soát ung thư tai mũi họng định kỳ 6 tháng hoặc mỗi năm một lần.

Theo: vnexpress.net

Ung thư hay các bệnh hiểm nghèo khác không phải là dấu chấm hết, nhưng với điều kiện là phát hiện sớm. Vì thế, các chuyên gia y tế khuyến khích người dân có chế độ ăn uống lành mạnh, thể dục thể thao hợp lý và gặp gỡ bác sĩ để được tư vấn danh mục khám định kỳ phù hợp dựa trên nhu cầu riêng, độ tuổi, giới tính, tiền sử gia đình, tiền sử bản thân, chế độ sinh hoạt, thói quen ăn uống, các vấn đề sức khỏe hiện tại.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *