Ung thư vòm họng là một trong những loại ung thư khá phổ biến hiện nay. Bệnh phát triển âm thầm, khi ở giai đầu thường chỉ biểu hiện những triệu chứng của các bệnh tai mũi họng thông thường nên người bệnh thường chủ quan bỏ qua.
Do vậy, phần lớn khi phát hiện ra bệnh ung thư vòm họng thì đã ở giai đoạn muộn khiến việc điều trị gặp nhiều khó khăn, bệnh nhân phải đối mặt với những biến chứng nguy hiểm gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khoẻ.
Dấu hiệu sớm thường gặp trong bệnh lý ung thư vòm họng mà người bệnh cần lưu ý.
– Biểu hiện rát họng, đau họng:
Nhiều người bệnh khi phát hiện ra mắc ung thư vòm họng thì cho rằng không có một biểu hiện gì trước đó. Đến khi có các biểu hiện thực thể khác như: ho ra máu, ăn uống nuốt nghẹn mới tới cơ sở y tế thì đã phát hiện ung thư vòm họng ở giai đoạn muộn.
Thực tế cho thấy ở giai đoạn sớm các biểu hiện ung thư vòm họng mờ nhạt, người bệnh chỉ có những biểu hiện thông thường như rát họng, đau họng. Lúc này rất có thể là biểu hiện khối u đang phát triển gây tổn thương tế bào lành và chèn ép các cơ quan. Gây ra đau rát họng khi nuốt nước bọt. Sau một thời gian ngắn cổ họng bắt đầu đau rát nặng hơn dẫn tới hiện tượng khản tiếng. Vì vậy, nếu có biểu hiện nghi ngờ không đáp ứng với các thuốc thông thường hoặc chỉ đỡ rồi lặp lại bệnh thì cần đến cơ sở y tế để được thăm khám.
Hình ảnh nội soi tai mũi họng của ung thư vòm và hình ảnh MRI của ung thư vòm
– Xuất hiện ho có đờm:
Khi mắc ung thư vòm họng nhiều người bệnh thường xuyên xuất hiện ho có đờm. Người bệnh thường tự mua thuốc ho, thuốc trị cảm cúm … tuy nhiên tình trạng bệnh chỉ giảm hoặc khỏi nhất thời rồi lại tái phát. Điều này rất có thể bạn đã mắc ung thư vòm họng, bởi thông thường, người bị ung thư vòm họng sẽ ho có đờm trong một thời gian dài và dai dẳng không khỏi.
– Có biểu hiện ù tai:
Ù tai có rất nhiều nguyên nhân nhưng đối với người bệnh mắc ung thư vòm họng cũng thường xuyên bị ù một bên, có cảm giác như tiếng ve kêu bên trong tai. Bởi rất có thể do khối u phát triển đè lên loa vòi nhĩ là một đường từ vùng mũi họng thông lên tai, vì thế cần phải cẩn thận nếu như phát hiện bản thân có những dấu hiệu này.
– Xuất hiện cơn đau đầu kéo dài:
Đối với người mắc ung thư vòm họng thường xuyên có biểu hiện đau đầu. Điều đặc biệt các cơn đau đầu thường âm ỉ và cuộn lên từng cơn. Nhưng thường ở mức độ nhẹ nên bệnh nhân chủ quan có thể do các nguyên nhân khác như: thời tiết, áp lực công việc, viêm xoang… mà ít để tâm đến các mức độ trầm trọng của bệnh.
– Biểu hiện ngạt mũi:
Khi mắc ung thư vòm mũi họng các biểu hiện liên quan vùng hầu họng sẽ xuất hiện trong đó có tình trạng ngạt mũi. Thời gian đầu người bệnh sẽ bị ngạt một bên mũi, ngạt từng lúc và có thể kèm theo triệu chứng chảy máu cam. Tuy nhiên, đa phần người bệnh cho rằng các biểu hiện này không đang ngại, do viêm mũi, do thời tiết, do nóng trong hoặc ngạt mũi xì mạnh nên chảy máu cam…
– Xuất hiện hạch cổ:
Thông thường khi viêm nhiễm cũng xuất hiện hạch ở nách, ở cổ. Tuy nhiên, khi có biểu hiện hạch ở cổ cứng, mật độ chắc di động kém 1 bên cũng là một dấu hiệu chỉ điểm quan trọng có thể là biểu hiện của ung thư do đó cần khám sàng lọc và tìm nguyên nhân bệnh lý. Theo thống kê bệnh ung thư vòm họng di căn phần cổ chiếm 40-85% các ca bệnh. Bởi thực tế cho thấy vòm họng có cấu trúc mô bạch huyết nên các tế bào ung thư dễ dàng di căn hạch cổ.
Ai có nguy cơ mắc ung thư vòm họng?
Đây là câu hỏi nhiều người thắc mắc khi tới thăm khám và quan tâm liệu mình có nằm trong đối tượng nguy cơ mắc ung thư vòm họng không? Các nghiên cứu cho thấy những người có nguy cơ cao mắc ung thư vòm họng bao gồm:
– Giới tính: Nam giới có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nữ giới
– Tuổi: Những người có tuổi trên 40 tuổi là đối tượng nguy cơ
– Thói quen sinh hoạt không khoa học và chế độ dinh dưỡng không đúng: Việc ăn uống không cân bằng, thói quen không lành mạnh như: Người hút nhiều thuốc, lạm dụng rượu bia; có chế độ ăn thiếu trái cây và rau xanh, ăn nhiều thịt cá ướp muối và đồ lên men sẽ có nguy cơ mắc ung thư vòm họng.
– Người nhiễm virus EBV (Epstein – Barr);
– Người bị bệnh mạn tính đường mũi họng;
– Người thường xuyên tiếp xúc nhiều với bụi gỗ, khói, formaldehyde, môi trường kém thông khí, hóa chất;
– Người có tiền sử ung thư hoặc tiền sử gia đình mắc ung thư vòm họng;
Cần làm gì?
Ung thư vòm họng rất nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Hãy chú ý đến tình trạng sức khỏe của bạn khi bạn gặp một trong những triệu chứng trên hoặc khi đã dùng thuốc điều trị các bệnh như cảm cúm, đau họng,… không khỏi, thời gian kéo dài 3 tuần trở lên, tái đi tái lại nhiều lần trong năm.
Những người thuộc nhóm nguy cơ cao cần phải khám sức khỏe định kỳ nhất là khi có các triệu chứng sau cần đi tầm soát ung thư vòm họng ngay: hạch cổ nổi một bên, đau tai, viêm tai, ù tai, sổ mũi, nghẹt mũi, chảy máu mũi, giảm thị lực, đau mặt, nhức đầu, đau họng…
Tóm lại: Ung thư vòm họng nếu phát hiện sớm sẽ có những liệu pháp điều trị phù hợp nhằm giảm thiểu các biến chứng và cũng nâng cao tỉ lệ điều trị thành công. Do các dấu hiệu của bệnh lý ung thư vòm họng rất dễ nhầm lẫn với các bệnh lý viêm nhiễm vùng mũi họng cho nên việc thăm khám cực kì quan trọng. Bác sĩ sẽ kiểm tra tổng quát tình trạng vùng đầu cổ, hệ thống hạch, đặc biệt làm thăm khám bằng nội soi sẽ giúp phát hiện những tổn thương sớm, khó quan sát bằng dụng cụ khám thông thường. Hoặc khi có các dấu hiệu trên ở người có các yếu tố nguy cơ mắc bệnh ung thư vòm họng, cần đến khám bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng để nội soi vòm họng kiểm tra phát hiện sớm đồng thời khám bác sĩ chuyên khoa ung thư để được tư vấn về chẩn đoán và điều trị.
Theo: suckhoedoisong.vn
Ung thư hay các bệnh hiểm nghèo khác không phải là dấu chấm hết, nhưng với điều kiện là phát hiện sớm. Vì thế, các chuyên gia y tế khuyến khích người dân có chế độ ăn uống lành mạnh, thể dục thể thao hợp lý và gặp gỡ bác sĩ để được tư vấn danh mục khám định kỳ phù hợp dựa trên nhu cầu riêng, độ tuổi, giới tính, tiền sử gia đình, tiền sử bản thân, chế độ sinh hoạt, thói quen ăn uống, các vấn đề sức khỏe hiện tại.