Vi khuẩn H.P vào cơ thể giải phóng enzyme, chất độc, kích hoạt hệ miễn dịch, có thể dẫn đến viêm niêm mạc, loét dạ dày, ung thư dạ dày.
Nhiễm khuẩn Helicobacter pylori (H.P) là một bệnh tiêu hóa phổ biến. Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết Việt Nam là nước có tỷ lệ nhiễm H.P cao. Bệnh dễ lây từ người này sang người khác qua đường miệng hoặc đường phân miệng do rửa tay không kỹ sau khi đi vệ sinh. Tiêu thụ thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, dùng nước nhiễm khuẩn cũng là nguyên nhân gây bệnh.
Theo bác sĩ Khanh, đa số người nhiễm H.P không có triệu chứng. Dưới 20% người có biểu hiện đau bụng âm ỉ, nóng rát vùng thượng vị.
Một số trường hợp H.P có tác dụng như vi khuẩn cộng sinh, giúp giảm triệu chứng trào ngược hay bệnh dị ứng, hạn chế nhiễm trùng. Tuy nhiên, hầu hết trường hợp sau khi xâm nhập vào đường tiêu hóa, H.P giải phóng enzyme, chất độc, kích hoạt hệ thống miễn dịch, làm suy yếu lớp nhầy bảo vệ dạ dày, tá tràng, kích thích dạ dày sản sinh nhiều axit. Quá trình này làm tế bào niêm mạc ống tiêu hóa bị ăn mòn, tổn thương, gây nhiều bệnh.
Viêm dạ dày: Nhiễm khuẩn H.P là nguyên nhân phổ biến nhất của viêm dạ dày. Triệu chứng gồm đau bụng từng cơn, nóng rát vùng thượng vị nhiều về đêm hoặc sau bữa ăn vài giờ, ợ hơi, ợ chua, buồn nôn, chán ăn. Trường hợp viêm nặng, người bệnh có thể xuất huyết dạ dày. Viêm lâu ngày dẫn tới viêm teo lan từ dưới lên trên.
Loét dạ dày – tá tràng: Enzyme do vi khuẩn H.P tiết ra có khả năng ăn mòn hàng rào chất nhầy, làm suy yếu khả năng sản xuất chất nhầy, tạo điều kiện cho axit dạ dày phá hủy lớp mô bên dưới, gây tổn thương niêm mạc dạ dày, tá tràng. Tổn thương lâu ngày dẫn đến loét.
Ổ loét được phát hiện qua nội soi dạ dày tá tràng có thể là ổ loét dạ dày, loét tá tràng (thường gặp ở phần đầu tá tràng). Bệnh gây đau vùng thượng vị sau ăn, khi đói hoặc về đêm, buồn nôn, chướng bụng. Trường hợp đi ngoài phân đen hoặc lẫn máu, nôn ra máu cảnh báo xuất huyết tiêu hóa. Tình trạng loét không được điều trị, dạ dày, tá tràng dễ bị thủng.
Theo bác sĩ Khanh, khoảng 20% ổ loét dạ dày, tá tràng không có biểu hiện triệu chứng, còn gọi là ổ loét câm. Nhiều người bệnh đi khám khi đã xuất hiện biến chứng xuất huyết tiêu hóa hoặc thủng dạ dày, tá tràng.
Khó tiêu do H.P: Triệu chứng gồm đau bụng, nóng rát vùng thượng vị, buồn nôn, nôn, ợ hơi, đầy hơi, ăn nhanh no. Triệu chứng có thể xảy ra nhiều ngày liên tục hoặc thỉnh thoảng mới xảy ra một đợt.
Ung thư biểu mô tuyến dạ dày: Nhiều nghiên cứu cho thấy vi khuẩn H.P làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày. Chất độc do vi khuẩn H.P tiết ra làm viêm, loét dạ dày. Tình trạng này diễn ra liên tục khiến các tế bào biểu mô dạ dày tổn thương, mất ổn định cấu trúc, viêm teo niêm mạc dạ dày.
Tổn thương này thường xuất hiện tại vùng hang vị dạ dày hoặc từ hang vị lan lên thân vị. Nếu viêm teo niêm mạc tiến triển có thể dẫn đến dị sản ruột, loạn sản, ung thư dạ dày.
Người bị viêm teo niêm mạc dạ dày hoặc dị sản ruột, dù điều trị triệt để vẫn có nguy cơ ung thư dạ dày. Tuy nhiên, không phải ai nhiễm khuẩn H.P cũng bị loét dạ dày, ung thư dạ dày. Có khoảng 200 loại H.P khác nhau, chỉ một số loại mang gene CagA có độc lực cao mới tăng khả năng ung thư.
U lympho niêm mạc dạ dày là một dạng ung thư tế bào máu (lympho) tại niêm mạc dạ dày. Triệu chứng ung thư lympho niêm mạc dạ dày mờ nhạt. Một số trường hợp có đau bụng vùng thượng vị, nôn dai dẳng, gầy sút cân, xuất huyết tiêu hóa, hiếm gặp là sốt hoặc đổ mồ hôi đêm. Một số trường hợp phát hiện bệnh tình cờ mà không biểu hiện triệu chứng.
Theo bác sĩ Khanh vi khuẩn H.P tồn tại trong dạ dày, khoang miệng và ngoài môi trường. Một số trường hợp nhiễm H.P không gây ra triệu chứng nhưng vẫn có khả năng diễn tiến ung thư dạ dày thầm lặng. Mọi người nên khám sức khỏe định kỳ để phát hiện bệnh và điều trị, tránh biến chứng, lây nhiễm cho người xung quanh.
Theo: vnexpress.net
Ung thư hay các bệnh hiểm nghèo khác không phải là dấu chấm hết, nhưng với điều kiện là phát hiện sớm. Vì thế, các chuyên gia y tế khuyến khích người dân có chế độ ăn uống lành mạnh, thể dục thể thao hợp lý và gặp gỡ bác sĩ để được tư vấn danh mục khám định kỳ phù hợp dựa trên nhu cầu riêng, độ tuổi, giới tính, tiền sử gia đình, tiền sử bản thân, chế độ sinh hoạt, thói quen ăn uống, các vấn đề sức khỏe hiện tại.