Phục hồi chức năng cho bệnh nhân ung thư là phương pháp giúp kiểm soát được các vấn đề phát sinh trong và sau quá trình điều trị bệnh.
Các phương pháp phục hồi chức năng
Vật lý trị liệu Là phương pháp điều trị nội khoa và hoàn toàn không xâm lấn. Được áp dụng điều trị đa dạng bệnh lý, nhưng phổ biến nhất là các bệnh lý về cơ xương khớp. Hầu hết hình thức vật lý trị liệu đều được áp dụng kết hợp với các hình thức điều trị khác để nâng cao hiệu quả điều trị.
Tâm lý trị liệu
Tâm lý trị liệu là phương pháp dùng để chẩn đoán vấn đề về sức khỏe tâm thần của người bệnh, từ đó xác định mục tiêu điều trị và thay đổi cảm xúc, suy nghĩ hoặc hành vi của người bệnh. Phương pháp này được áp dụng cho những người gặp vấn đề sức khỏe không lý giải được bằng thế chất như: rối loạn giấc ngủ, rối loạn ăn uống, năng lượng thấp, khó kiểm soát cảm xúc… kéo theo những hệ lụy sức khỏe tổng thể.
Hoạt động trị liệu
Hoạt động trị liệu là phương pháp phục hồi chức năng tập trung vào cải thiện sự phối hợp vận động giữa các nhóm cơ và khớp. Mục tiêu cuối cùng của phương pháp này là tập trung phục hồi các chức năng sinh hoạt hằng ngày, giúp người bệnh có thể độc lập trong cuộc sống mà không cần nhờ đến sự trợ giúp của người khác.
Ngôn ngữ trị liệu
Là phương pháp phục hồi chức năng cho người gặp các vấn đề trong phát âm và giao tiếp. Những đối tượng được áp dụng liệu pháp này gồm: người đã phẫu thuật cắt thanh quản, người bị đột quỵ, người bệnh thất ngôn, rối loạn âm ngữ, rối loạn ngôn ngữ, rối loạn nuốt…
Lợi ích của phục hồi chức năng cho bệnh nhân ung thư
Ung thư và quá trình điều trị ung thư thường gây nên những hệ quả về thể chất, tinh thần, cũng như nhận thức. Điều này có thể dẫn đến việc hạn chế các hoạt động hằng ngày, khả năng quay trở lại công việc hay tác động lâu dài đến sức khỏe của người bệnh.
Việc phục hồi chức năng với bệnh nhân ung thư rất cần thiết bởi:
- Giúp bệnh nhân duy trì trạng thái tích cực, năng động và tái hòa nhập với công việc, gia đình, các hoạt động xã hội.
- Giảm bớt các tác dụng phụ và triệu chứng của ung thư cũng như các phương pháp điều trị ung thư.
- Giúp bệnh nhân độc lập trong sinh hoạt, vận động và tự thực hiện được các hoạt động hàng ngày.
- Cải thiện chất lượng cuộc sống.
- Cải thiện các tình trạng: Đau. Yếu và mất sức. Mệt mỏi…
- Giúp bệnh nhân di chuyển và vận động: Đứng dậy khi đang ngồi trên sàn, đứng dậy khỏi ghế ngồi, leo cầu thang, tự tắm rửa, mặc quần áo.
Khi nào người bệnh ung thư cần phục hồi chức năng?
Bệnh nhân cần giữ vai trò chủ động trong việc chăm sóc sức khỏe của bản thân. Hãy nói chuyện với bác sỹ ung thư về việc cần tiến hành phục hồi chức năng bất cứ khi nào cảm thấy có sự thay đổi triệu chứng làm giảm khả năng hoạt động hoặc khó khăn trong việc thực hiện các sinh hoạt hàng ngày. Điều quan trọng là phải giải quyết những vấn đề trên càng sớm càng tốt trước khi tình trạng xấu đi.
Bệnh nhân có thể tự trả lời các câu hỏi dưới đây để quyết định có cần phục hồi chức năng hay không:
- Tôi có đang gặp khó khăn hơn khi đi lại/di chuyển không?
- Tôi có bị đau, yếu mệt hoặc các triệu chứng khác không?
- Tôi có đang gặp khó khăn trong việc suy nghĩ rành mạch không?
Người bệnh hãy tham khảo ý kiến bác sỹ để thăm khám các chuyên gia phục hồi chức năng trước khi bắt đầu điều trị ung thư.
Theo: suckhoedoisong.vn
Ung thư hay các bệnh hiểm nghèo khác không phải là dấu chấm hết, nhưng với điều kiện là phát hiện sớm. Vì thế, các chuyên gia y tế khuyến khích người dân có chế độ ăn uống lành mạnh, thể dục thể thao hợp lý và gặp gỡ bác sĩ để được tư vấn danh mục khám định kỳ phù hợp dựa trên nhu cầu riêng, độ tuổi, giới tính, tiền sử gia đình, tiền sử bản thân, chế độ sinh hoạt, thói quen ăn uống, các vấn đề sức khỏe hiện tại.