Viêm gan B chữa thế nào?

Viêm gan B là một trong những bệnh mạn tính nguy hiểm. Bệnh có thể chuyển sang mạn tính và gây hậu quả cuối cùng là xơ gan hoặc ung thư gan. Vậy viêm gan B chữa như thế nào?

Nguyên nhân gây viêm gan B

Viêm gan B gây ra do virus HBV (Hepatitis B Virus). Đây là loại virus có hình cầu, vỏ bao quanh của HBV là lipoprotein có chứa kháng nguyên bề mặt HBsAg. Cho đến nay, virus HBV được xác định có 8 type kháng nguyên khác nhau. Virus HBV có thời gian ủ bệnh từ 3 đến 6 tháng.

Các con đường lây nhiễm chính của virus này tương tự virus HIV, tuy nhiên khả năng lây nhiễm của HBV cao hơn 100 lần so với HIV như: lây truyền qua đường máu lây từ mẹ sang con, lây qua đường tình dục…

Viêm gan B được phân thành 3 loại là viêm gan B cấp tính, viêm gan B mạn tính và viêm gan B thể không hoạt động.

Biểu hiện của bệnh viêm gan B

Với viêm gan B cấp tính

Hầu hết trẻ em dưới 5 tuổi hoặc người bị suy giảm hệ thống miễn dịch khi mắc viêm gan B cấp tính đều không biểu hiện triệu chứng rõ ràng.

Những đối tượng còn lại, bao gồm trẻ lớn hơn, thanh thiếu niên và người trưởng thành thì có khoảng 30 – 50% sẽ có các dấu hiệu và triệu chứng ban đầu, bao gồm: Sốt, mệt mỏi, chán ăn, ăn không ngon, buồn nôn và nôn, đau bụng, nước tiểu đậm màu, phân nhạt màu, đau khớp, vàng da…

Viêm gan B chữa thế nào?- Ảnh 1.
Vỉrus HBV bắt đầu hoạt động, bám vào bề mặt gan, phá hủy và làm rối loạn hoạt động của tế bào gan.

Với viêm gan B mạn tính

Hầu hết những người bị viêm gan B mạn tính không có bất kỳ triệu chứng nào trong nhiều năm. Nếu có xuất hiện triệu chứng, chúng sẽ tương tự như các triệu chứng của nhiễm trùng cấp tính.

Viêm gan B gây hệ lụy như thế nào?

Ngay sau khi vào cơ thể, virus HBV bắt đầu hoạt động, bám vào bề mặt gan, phá hủy và làm rối loạn hoạt động của tế bào gan, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như:

– Suy giảm chức năng gan: Virus HBV phá hủy tế bào từ bên trong, gây tổn thương gan và làm suy giảm các chức năng gan như thải độc, lọc máu, chuyển hóa chất, tổng hợp chất…

– Gan nhiễm mỡ: Quá trình phân giải Triglyceride ở gan bị suy giảm, khiến cho chất béo không được chuyển hóa mà tích tụ lại gây gan nhiễm mỡ.

– Xơ gan: Trong vòng 20 năm hoặc sớm hơn, viêm gan B nếu không điều trị sẽ thành xơ gan, ngăn chặn dòng máu đi qua gan, làm suy giảm trầm trọng chức năng gan.

– Ung thư gan: Viêm gan B làm tăng sinh tế bào gan ác tính, sau 10 năm hoặc sớm hơn sẽ tiến triển thành ung thư gan.

Phụ nữ mang thai bị viêm gan B có thể truyền bệnh cho con khi sinh. Điều này đúng đối với cả trường hợp sinh thường lẫn sinh mổ. Do đó, phụ nữ đang mang thai hoặc có kế hoạch mang thai cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa uy tín để tiến hành xét nghiệm viêm gan B.

Chẩn đoán viêm gan B

Trên cơ sở lâm sàng, không thể phân biệt viêm gan B với viêm gan do các tác nhân virus khác gây ra. Do đó, việc xác nhận chẩn đoán trong phòng thí nghiệm là điều cần thiết. Bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh tiến hành các xét nghiệm máu để chẩn đoán viêm gan B.

Viêm gan B chữa thế nào?

Câu hỏi khiến nhiều người bệnh thắc mắc nhiều nhất là viêm gan B chữa thế nào?

Trong trường hợp nghi ngờ mình tiếp xúc với virus viêm gan B, cần lập tức đến bệnh viện. Khi bị phơi nhiễm, tiêm globulin miễn dịch trong vòng 12 giờ sau khi tiếp xúc với virus có thể giúp bảo vệ cơ thể khỏi viêm gan B. Những người chưa tiêm phòng viêm gan B cũng cần tiêm.

Hiện không có phương pháp điều trị đặc hiệu cho bệnh viêm gan B cấp tính. Việc điều trị chủ yếu để hỗ trợ, bao gồm nghỉ ngơi, uống nhiều nước, kiêng rượu bia và cân bằng dinh dưỡng. Quan trọng nhất là tránh sử dụng các thuốc chuyển hóa qua gan.

Đối với viêm gan B mạn tính cần được điều trị bằng thuốc, bao gồm thuốc kháng virus. WHO khuyến cáo sử dụng các phương pháp điều trị bằng đường uống như tenofovir hoặc entecavir – là những loại thuốc mạnh nhất để ngăn chặn virus viêm gan B.

Ở hầu hết mọi người, điều trị viêm gan B mạn tính không thể loại bỏ hoàn toàn viêm gan B mà chỉ ngăn chặn sự nhân lên của virus. Vì vậy, hầu hết những người được chẩn đoán bị viêm gan B mạn tính đều phải điều trị lâu dài, đôi khi là suối đời. Việc điều trị nhằm làm chậm quá trình tiến triển thành xơ gan, giảm nguy cơ mắc ung thư gan và cải thiện khả năng sống lâu dài. Tại sao bác sĩ khuyên bạn nên ăn nhiều rau xanh?

Lưu ý với người bệnh mắc viêm gan B

Người bệnh viêm gan B nên ăn các loại thực phẩm giàu đạm như: thịt, cá, trứng, sữa, các loại đậu… Đặc biệt là thịt nạc, cá dễ chuyển hóa, có lợi cho gan. Đối với trứng nên ăn lòng trắng trứng để dễ hấp thụ.

Nên uống sữa để bổ sung dinh dưỡng và năng lượng cho cơ thể, hạn chế được hoạt động chuyển hóa và thải độc của gan.

Các loại đậu như: đậu đen, đậu đỏ, đậu xanh… tốt cho người bệnh viêm gan B vì chúng có tác dụng thanh nhiệt, mát gan, giải độc cho cơ thể.

Tăng cường chất đường, ngũ cốc như gạo, bánh mì, bột mì, mật ong, bột ngũ cốc…

Bổ sung thực phẩm giàu vitamin như rau xanh và trái cây tươi. Nên ăn các loại rau như bông cải xanh, rau chân vịt, rau má, rau ngót; cà chua, bắp cải, cà rốt… để cung cấp vitamin và chất xơ giúp tiêu hóa tốt.

Các loại trái cây như cam, quýt, táo, bưởi, nho, bơ, dưa hấu… giàu vitamin và khoáng chất để tăng sức đề kháng, chống oxy hóa, giúp phục hồi tổn thương gan.

Người bệnh viêm gan B không uống rượu, bia, chất kích thích… Lạm dụng rượu, bia gây suy giảm chức năng gan, làm gan nhiễm mỡ, viêm gan, xơ gan, ung thư gan.

Theo: suckhoedoisong.vn

Ung thư hay các bệnh hiểm nghèo khác không phải là dấu chấm hết, nhưng với điều kiện là phát hiện sớm. Vì thế, các chuyên gia y tế khuyến khích người dân có chế độ ăn uống lành mạnh, thể dục thể thao hợp lý và gặp gỡ bác sĩ để được tư vấn danh mục khám định kỳ phù hợp dựa trên nhu cầu riêng, độ tuổi, giới tính, tiền sử gia đình, tiền sử bản thân, chế độ sinh hoạt, thói quen ăn uống, các vấn đề sức khỏe hiện tại.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *