Vuột cơ hội sống do chữa ung thư theo lời đồn

Sau nửa năm bỏ điều trị về nhà ăn thực dưỡng, người phụ nữ 57 tuổi trở lại viện K trong tình trạng suy kiệt, khối u chuyển giai đoạn cuối.

Bà mắc ung thư đại tràng giai đoạn ba, đã phẫu thuật cắt một đoạn đại tràng. Sau mổ, bà phục hồi tốt, bác sĩ chỉ định hóa chất xử lý triệt để khối u, nhưng bà từ chối điều trị, xin về nhà ăn theo phương pháp thực dưỡng. 6 tháng sau, bà sụt cân, gầy yếu, liên tục đau bụng nên đến viện kiểm tra.

Ngày 17/5, bác sĩ Lê Văn Thành, Khoa Ngoại bụng 1, Bệnh viện K, bất ngờ khi thấy bệnh nhân tiều tụy nhanh chóng. Lúc này, bệnh chuyển sang giai đoạn 4, cơ hội điều trị giảm, thể trạng của bà yếu ớt, không thể phẫu thuật.

Phương pháp thực dưỡng phổ biến vào thập niên 60 của thế kỷ trước bởi triết gia người Nhật Bản George Ohsawa. Thực phẩm chính cho các bữa ăn là gạo lứt, yến mạch cùng một số loại rau củ, dưa muối, rong biển hay sản phẩm từ đậu nành.

Theo bác sĩ Thành, hiện không có bất cứ bằng chứng khoa học nào chứng minh chế độ ăn này có thể điều trị hoặc chữa khỏi ung thư, thậm chí khiến cơ thể héo mòn và suy kiệt, gián đoạn quá trình điều trị. Hiệp hội Ung thư Mỹ và Tổ chức Nghiên cứu Ung thư Vương quốc Anh khuyến cáo không nên áp dụng phương pháp này cho người bệnh nan y, trẻ em, thai phụ hoặc đang cho con bú.

Cũng tin “nhịn ăn chữa lành ung thư”, người phụ nữ, 43 tuổi, phải cấp cứu tại Bệnh viện Đại học Y hồi tháng 4, do thể trạng suy kiệt, khối u hoại tử, bốc mùi hôi thối. Hai năm trước, bà được chẩn đoán ung thư vú, khối u khoảng 2 cm, không điều trị, xin về nhà uống thuốc nam và nhịn ăn. Khi nhập viện, khối u lúc này tăng lên 20 cm, vỡ, chảy máu không thể cầm. Bệnh nhân phải cắt bỏ một bên ngực, lấy da đùi ghép vào vùng ngực tổn thương.

[Capticccccccccccon]ccccc

Bác sĩ đang can thiệp xử lý khối u cho bệnh nhân. Ảnh: Bác sĩ cung cấp

Tương tự, một người đàn ông, 59 tuổi, ung thư thực quản giai đoạn hai, xin về nhà tự uống thuốc nam. Sau 5 tháng, bệnh nhân nuốt nghẹn, không thể ăn uống. Kết quả kiểm tra khối u đã xâm lấn vào khí quản, gây rò thực quản – khí quản. Ông còn bị rối loạn đông máu do dùng thuốc nam, tiểu cầu giảm dưới 50. Bác sĩ Thành kết luận “không thể làm gì được nữa”.

Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ mắc ung thư cao trên toàn cầu, số lượng ngày càng tăng. Năm 2018 ghi nhận 165.000 ca; 182.000 ca vào năm 2020, 122.690 người tử vong. Số ca tăng nhanh, nhu cầu tìm hiểu về bệnh ung thư ngày càng nhiều hơn. Tìm kiếm trên mạng xã hội, hàng nghìn thông tin liên quan chữa ung thư, trong đó nhiều nội dung sai sự thật, chưa được kiểm chứng, còn gọi tin giả (fake). Những tin fake gây rất nhiều khó khăn cho bác sĩ trong việc khám và điều trị bệnh nhân.

Hiện, Việt Nam chưa có thống kê tỷ lệ bệnh nhân bỏ điều trị và rước họa do tự chữa ung thư theo tin đồn. Tuy nhiên, trong số ca tử vong mỗi năm, không ít trường hợp “tự rút ngắn cuộc sống” do đánh cược sinh mạng vào thầy lang, bài thuốc trên mạng, theo bác sĩ Thành.

Cũng theo ông, đa số tin đồn liên quan chế độ dinh dưỡng. Nhiều người cho rằng bệnh nhân ung thư chỉ nên bồi dưỡng trong giai đoạn hóa xạ trị, còn sau đó ăn gạo lứt, bỏ thịt đỏ để không nuôi dưỡng khối u. Nhiều người nhịn ăn, tuyệt đối không uống sữa, ăn thịt, trứng. Một số tin đồn khác như ung thư là do quả báo, nghiệp quật, trời hành nên cần dâng sao giải hạn; không được đi đám ma; đụng dao kéo sẽ làm bệnh lan tràn nhanh và tử vong sớm hơn.

Hậu quả của quan niệm này là bệnh nhân sợ hãi và trốn tránh phẫu thuật, thử dùng “thuốc này thuốc kia” theo truyền miệng. Khi bệnh đã nặng mới vào viện, thời điểm vàng của quá trình điều trị đã trôi qua, thời cơ chữa khỏi bệnh bằng phẫu thuật không còn.

Lý giải nguyên nhân người bệnh tin vào tin đồn, ông Thành cho rằng một số người không chấp nhận, thích ứng với sự thật họ bị ung thư. Ngoài ra, ung thư tạo ra cú sốc tinh thần, khiến họ lo lắng, sợ hãi, đồng thời có động lực muốn sống bằng mọi giá. Tâm lý này khiến nhiều người bấu víu vào mọi thông tin, kể cả tin giả, như “người chết đuối vớ được phao”.

Những tin đồn được một số nhóm tuyên truyền và thuyết phục người bệnh, “thực chất là kinh doanh, trục lợi trên sức khỏe người dân”. Các nhóm này có cộng tác viên đông đảo, thường xuyên đưa tin tần suất dày đặc trên nhiều nền tảng mạng xã hội, tác động rất mạnh vào tâm lý bệnh nhân bằng các ngôn từ như “chữa khỏi ung thư”, “cam kết 100%”. Họ còn tạo ra những nhân vật bị ung thư, đã “khỏi” bệnh, hoặc thuê hay giả mạo người nổi tiếng, bác sĩ tham gia quảng cáo.

Nỗi sợ khiến nhiều người bệnh ung thư không tỉnh táo, tin vào các lời đồn chưa được kiểm chứng. Ảnh: Freepik

Nỗi sợ khiến nhiều người bệnh ung thư không tỉnh táo, tin vào các lời đồn chưa được kiểm chứng. Ảnh: Freepik

Nghiên cứu của giáo sư Skyler Johnson, Đại học Yale, Mỹ, cho thấy sự nguy hiểm của việc chỉ trông cậy vào khí công, yoga, châm cứu, ăn kiêng, ngồi thiền, thảo dược, thay những phương pháp điều trị đã được khoa học chứng minh (phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, miễn dịch học và hormone). Những bệnh nhân này chịu rủi ro tử vong cao gấp năm lần, trong vòng 5 năm kể từ khi phát hiện bệnh, so với những người được chữa trị bằng các phương pháp cổ điển. Công trình công bố trên tạp chí JAMA Oncology tháng 10/2018, cũng cho hay những bệnh nhân ung thư đổi phương pháp điều trị thông thường để sử dụng các liệu pháp thực phẩm bổ sung hay mùi hương, nguy cơ tử vong cao hơn gấp đôi.

Còn theo PGS TS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K, một số cơ chế bệnh sinh học ung thư hiện chưa được làm sáng tỏ, căn bệnh này chứa nhiều bí ẩn cần được khám phá, nhiều phương thức điều trị mới cần được nghiên cứu để chữa trị.

“Dường như điều này lại là nguyên nhân thông tin về bệnh ung thư sai lạc, phản khoa học, dẫn tới không ít người bệnh ung thư bị lợi dụng”, ông Quảng nói.

Cùng quan điểm, tiến sĩ David Robert Grimes, chuyên gia ung thư của Đại học Oxford, Anh, nói ung thư không phải là một bệnh duy nhất, mà các nhà khoa học đã phát hiện hơn 200 loại, được đặt tên theo bộ phận khởi phát khối u cũng như tính chất của bệnh. Chẳng hạn, ung thư có nguồn gốc từ phổi được gọi là ung thư phổi hoặc ung thư phổi nguyên phát, khi lây đến gan sẽ gọi là ung thư gan thứ phát. Rất khó có một “viên đạn bạc” duy nhất có thể điều trị mọi dạng ung thư.

“Không thể có một loại thuốc chữa được bách bệnh, do đó bất cứ ai tuyên bố đã tìm ra giải pháp thần kỳ chữa khỏi mọi bệnh ung thư, đều sai sự thật”, ông Grimes cho hay.

Các chuyên gia khuyến cáo bệnh nhân và gia đình nên tỉnh táo, thông thái, cần trao đổi trực tiếp với bác sĩ chuyên khoa để hiểu rõ nhất về bệnh, điều trị, tiên lượng cũng như dùng các phương thức và thuốc chính thống tại bệnh viện.

Theo: vnexpress.net

Ung thư hay các bệnh hiểm nghèo khác không phải là dấu chấm hết, nhưng với điều kiện là phát hiện sớm. Vì thế, các chuyên gia y tế khuyến khích người dân có chế độ ăn uống lành mạnh, thể dục thể thao hợp lý và gặp gỡ bác sĩ để được tư vấn danh mục khám định kỳ phù hợp dựa trên nhu cầu riêng, độ tuổi, giới tính, tiền sử gia đình, tiền sử bản thân, chế độ sinh hoạt, thói quen ăn uống, các vấn đề sức khỏe hiện tại.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *