Ăn trái cây nhiều vitamin C, hạn chế thịt chế biến sẵn, giảm cân, kiểm tra sức khỏe đường tiêu hóa giúp phòng ngừa ung thư dạ dày.
Ung thư dạ dày bắt đầu khi các tế bào ung thư hình thành ở lớp lót bên trong dạ dày, có thể phát triển thành khối u, phổ biến ở những người trên 60 tuổi. Người có bệnh dạ dày, nhiễm vi khuẩn H.P, viêm loét dạ dày có khả năng cao mắc bệnh.
Một số thay đổi lối sống góp phần phòng ngừa ung thư dạ dày.
Ăn uống lành mạnh: Bổ sung trái cây và rau quả trong bữa ăn mỗi ngày để tăng cường chất xơ, một số vitamin có thể giảm nguy cơ ung thư. Ăn nhiều cam, chanh, bưởi vì giàu vitamin C, có tác dụng chống oxy hóa cao.
Hiệp hội Ung thư Mỹ khuyến nghị nên chọn cá, thịt gia cầm hoặc đậu thay vì thịt chế biến hoặc thịt đỏ. Tránh món quá mặn, ngâm, chế biến qua nhiều công đoạn như thịt hun khói, lạp xưởng, xúc xích, pho mát. Lượng lớn muối và chất bảo quản có thể làm tổn thương niêm mạc dạ dày, dễ mắc ung thư.
Không hút thuốc, uống rượu: Khói thuốc lá làm tăng gấp đôi nguy cơ ung thư dạ dày, do đó, nên bỏ thuốc lá nếu hút, tránh khói thuốc thụ động. Nguy cơ ung thư dạ dày tăng lên theo tần suất uống rượu. Nếu phải uống, nam giới không uống quá hai ly rượu mỗi ngày, nữ không quá một ly.
Kiểm tra sức khỏe: Helicobacter pylori (HP) là loại vi khuẩn phổ biến có thể lây nhiễm vào niêm mạc dạ dày và gây loét, làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày. Người bệnh viêm loét dạ dày nên kiểm tra tình trạng nhiễm HP định kỳ để chủ động điều trị.
Tập thể dục: Vận động thường xuyên tăng cường sức khỏe tổng thể, giảm nguy cơ mắc nhiều loại ung thư khác nhau, trong đó có ung thư dạ dày.
Giữ cân nặng ổn định: Thừa cân hoặc béo phì cũng có thể tăng nguy cơ mắc bệnh. Người thừa cân nên giảm cân, duy trì trọng lượng cơ thể ở mức ổn định bằng cách ăn uống lành mạnh, tập thể dục.
Sử dụng thuốc theo chỉ định: Tránh tự ý mua thuốc, dùng thuốc không theo chỉ định của bác sĩ. Một số thuốc giảm đau, hạ sốt chứa các thành phần aspirin, ibuprofen nếu không dùng theo hướng dẫn có thể ảnh hưởng xấu đến dạ dày.
Tầm soát ung thư định kỳ: Ung thư dạ dày có yếu tố di truyền trong gia đình. Trường hợp gia đình có người mắc ung thư hoặc các bệnh liên quan đến dạ dày nên chủ động tầm soát thường xuyên. Chẩn đoán ung thư ở giai đoạn sớm, điều trị dễ dàng, tỷ lệ thành công cao hơn.
Theo: vnexpress.net
Ung thư hay các bệnh hiểm nghèo khác không phải là dấu chấm hết, nhưng với điều kiện là phát hiện sớm. Vì thế, các chuyên gia y tế khuyến khích người dân có chế độ ăn uống lành mạnh, thể dục thể thao hợp lý và gặp gỡ bác sĩ để được tư vấn danh mục khám định kỳ phù hợp dựa trên nhu cầu riêng, độ tuổi, giới tính, tiền sử gia đình, tiền sử bản thân, chế độ sinh hoạt, thói quen ăn uống, các vấn đề sức khỏe hiện tại.