Một loại vi rút cổ đại lưu giữ trong DNA của con người từ cách đây hàng triệu năm có thể được kích hoạt trở lại để tạo ra loại thuốc giúp chống bệnh ung thư.
Nhóm các nhà khoa học tại Viện Francis Crick (Anh) đang nghiên cứu về bệnh ung thư phổi, nguyên nhân hàng đầu gây tử vong liên quan đến ung thư trên toàn cầu, để hiểu tại sao một số bệnh nhân lại có phản ứng tốt hơn những bệnh nhân khác khi áp dụng liệu pháp miễn dịch.
Trong công bố trên tạp chí Nature đầu tháng 4, nhóm cho biết họ đã phát hiện ra các tế bào cũ không hoạt động có thể được kích hoạt bởi các tế bào ung thư, sau đó có thể vô tình giúp hệ thống miễn dịch nhắm mục tiêu và tấn công khối u ung thư.
Đây được coi là phát hiện vô cùng “hấp dẫn” mang hy vọng lớn để giúp nhiều người hơn sống sót khi mắc bệnh ung thư phổi.
.
Một nghiên cứu đã phát hiện tàn dư của vi rút cổ đại được lưu truyền qua hàng ngàn, thậm chí hàng triệu năm trong DNA của con người có thể giúp chống lại bệnh ung thư – Ảnh: GETTY
Julian Downward, phó giám đốc nghiên cứu và trưởng phòng thí nghiệm sinh học gây ung thư tại Viện Francis Crick, cho biết: “Công trình này mở ra một số cơ hội mới để cải thiện phản ứng của bệnh nhân đối với liệu pháp miễn dịch. Nó là một bước quan trọng trong việc giúp nhiều người sống sót sau ung thư phổi”.
Bằng cách quan sát hoạt động của tế bào miễn dịch ở chuột bị ung thư phổi và trong các mẫu khối u ung thư phổi ở người, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng các tế bào bạch cầu sản xuất kháng thể (được gọi là tế bào B) góp phần vào phản ứng miễn dịch đối với ung thư phổi bằng cách tạo ra các kháng thể liên kết với khối u.
Khi xem xét phản ứng này, họ phát hiện kháng thể đã nhận ra các protein retrovirus nội sinh (ERV). Đây chính là các protein được biểu hiện bởi DNA của vi rút cổ đại, tạo nên khoảng 5-8% bộ gene của con người hiện tại và được truyền lại từ các bệnh nhiễm trùng mà tổ tiên chúng ta từng mắc.
Trong phần lớn các mô khỏe mạnh, những gene vi rút này bị vô hiệu hóa, nhưng trong các bệnh ung thư, chúng có thể được kích hoạt trở lại.
Các nhà khoa học xác định ERV đã ẩn náu dưới dạng dấu vết của vi rút trong bộ gene con người hàng nghìn hoặc hàng triệu năm. Vì vậy thật thú vị khi nghĩ rằng các căn bệnh của tổ tiên chúng ta có thể là chìa khóa dẫn đến chữa bệnh ngày nay.
Trong thời gian tới, các nhà khoa học có thể tìm cách phát triển một loại vắc xin điều trị ung thư được tạo thành từ các gene ERV đã hoạt hóa để tăng cường sản xuất kháng thể tại vị trí có khối u ung thư của bệnh nhân.