Vì sao ung thư không còn là án tử?

Tỷ lệ tử vong do ung thư giảm mạnh do khám sàng lọc phát triển, các loại thuốc và liệu pháp điều trị hiệu quả cũng như người dân biết điều chỉnh lối sống.
 
Nhận chẩn đoán ung thư từng đồng nghĩa với “án tử”. Đến những năm 1970, tỷ lệ sống sót sau ung thư vẫn là khoảng 50%. Các liệu pháp điều trị thường tác động mạnh đến toàn bộ cơ thể, bởi chúng nhắm mục tiêu vào các đột biến gây ung thư. Hóa trị liều cao có độc tính, phẫu thuật đôi khi gây biến dạng các cơ quan từng là những lựa chọn khả thi duy nhất.
 
Bên cạnh đó, vào những năm 60, hiểu biết của giới chuyên gia về ung thư rất hạn hẹp. Nhiều người cho rằng đây là căn bệnh truyền nhiễm, thậm chí lo lắng về một “đại dịch” do “virus ung thư” lây lan. Người sống và làm việc với bệnh nhân sẽ phun chất khử trùng lên các bề mặt bàn ghế, kệ tủ tương tự với đại dịch Covid-19.
 
Ngày nay, tiên lượng của bệnh nhân hoàn toàn khác so với trước đây. Giáo sư Tony Mok, chủ nhiệm khoa ung thư lâm sàng tại Đại học Trung Văn Hương Cảng, Hong Kong, cho biết lĩnh vực ung thư đã thay đổi ngoài mong đợi trong 25 năm qua. Từ năm 1975 đến năm 2016, tỷ lệ sống sót sau 5 năm của người bệnh tăng lên đáng kể. Số liệu về Ung thư 2023 được Hiệp hội Ung thư Mỹ xuất bản gần đây chỉ ra rằng tỷ lệ tử vong do căn bệnh đã giảm 33% trong ba thập kỷ qua.
 
Sau giai đoạn bùng nổ về y tế, đến nay, nhiều loại thuốc ung thư được ra mắt. Từ năm 1941 đến năm 1970, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ đã phê duyệt 16 loại thuốc trị ung thư. Từ năm 1971 đến 2020, con số tăng lên 160.
 
Công nghệ sàng lọc cũng tiên tiến hơn. Chụp cộng hưởng từ, cắt lớp, CAT và PET/CTCAT hiện nay hiệu quả đến mức phát hiện sớm mầm bệnh và nâng tỷ lệ sống sót lên 99%.
 
Nguyên nhân phần vì các loại thuốc phong phú và dễ tiếp cận hơn. Gần đây nhất, cộng đồng y khoa chú ý đến thuốc liên hợp kháng thể mới là ADC, nhắm mục tiêu đến tế bào ung thư cụ thể, hiệu quả trong điều trị ung thư vú.
 
Ngày nay, do được cảnh báo kịp thời, cộng đồng thường lựa chọn lối sống giúp giảm thiểu nguy cơ ung thư. Tỷ lệ hút thuốc toàn cầu đã giảm đáng kể từ năm 1990, khoảng 27% đối với nam giới và gần 40% đối với nữ giới. Một phần do chiến dịch y tế hiệu quả tuyên truyền về sự nguy hiểm của thuốc lá cách đây 30 năm.
 
“Hiện chúng ta chứng kiến tác động tích cực từ công tác đó”, tiến sĩ Mok nói.
 
Số lượng phụ nữ khám sàng lọc định kỳ ung thư vú và ung thư cổ tử cung bằng hình thức chụp quang tuyến vú và phết tế bào đã tăng lên, việc sàng lọc các loại bệnh khác cũng tương tự.
 
Tuy nhiên, công tác sàng lọc ung thư phổi tụt lại phía sau. Xét nghiệm được khuyến nghị duy nhất hiện nay là chụp cắt lớp vi tính. Các phương pháp này đắt đỏ, không được phổ biến rộng rãi.
 
Theo tiến sĩ Mok, cần tạo điều kiện để người dân dễ tiếp cận với các phương pháp sàng lọc hiệu quả, đặc biệt đối với những người có yếu tố di truyền, nghĩa là có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
 
“Dù tỷ lệ hút thuốc ở Hong Kong thấp so với mặt bằng chung châu Á, nhưng tỷ lệ ung thư phổi di truyền lại cao. 30% bệnh nhân ung thư phổi là người không hút thuốc. Vì vậy, cần tập trung vào công tác chiếu chụp”, tiến sĩ Mok nói thêm.
 
Ung thư cổ tử cung giảm mạnh, 65% kể từ năm 2012 đến năm 2019 ở phụ nữ độ tuổi 20. Nhóm nhân khẩu này là những người đầu tiên được chủng ngừa HPV, cấp phép vào năm 2006.
 
Theo tiến sĩ Mok, thế giới sẽ có nhiều vaccine ung thư hơn trong tương lai. Hãng dược BioNTech (sản xuất vaccine Covid-19) đang nghiên cứu các liệu pháp mRNA điều trị và phòng ngừa ung thư, có tác dụng thúc đẩy hệ miễn dịch chống lại các tế bào có hại và khối u ác tính.
 
BioNTech đặt mục tiêu bắt đầu thử nghiệm vào cuối năm nay và vaccine có thể ra mắt vào cuối thập kỷ này, Ugur Sahin và Ozlem Tureci, những người sáng lập công ty cho biết.
 
Bên cạnh đó, các tiến bộ trong liệu pháp cấy ghép tế bào người nhằm thay thế hoặc sửa chữa các mô, tế bào bị tổn thương sẽ giúp nhiều người đánh bại bệnh ung thư.
 
Đối với các loại ung thư không có triệu chứng, Mỹ đã ra mắt xét nghiệm máu định kỳ đối với các nhóm nguy cơ cao, giúp xác định và điều trị sớm căn bệnh. Các nhà nghiên cứu tại Đại học Wisconsin-Madison đã bắt đầu thực hiện một thử nghiệm có khả năng chẩn đoán ung thư ở bất kỳ giai đoạn nào đối với những người khỏe mạnh, tỷ lệ chính xác lên đến 91%.
 
Thục Linh (Theo SCMP)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *