5 trường hợp nên sàng lọc ung thư đại trực tràng

Người bị viêm ruột, thiếu máu, sụt cân không rõ nguyên nhân, tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư đại trực tràng nên tầm soát bệnh này sớm.

Nguy cơ ung thư đại trực tràng tăng theo tuổi tác, thường gặp ở người trên 50 tuổi. Nhiều trường hợp không có triệu chứng trong giai đoạn đầu. Bệnh có thể phòng ngừa nhờ thói quen ăn uống lành mạnh, duy trì hoạt động thể chất, không hút thuốc lá và hạn chế uống rượu bia. Kiểm tra sức khỏe định kỳ, tầm soát thường xuyên góp phần quan trọng trong việc phát hiện cũng như điều trị thành công. Dưới đây là những trường hợp có thể sàng lọc ung thư đại trực tràng sớm.

Xuất hiện máu trong phân

Đi ngoài ra máu có thể là do bệnh trĩ gây sưng hậu môn và ung thư đại trực tràng. Nếu là ung thư, người bệnh có các triệu chứng thường gặp khác bao gồm thay đổi thói quen đại tiện, tiêu chảy, táo bón, đau bụng hay cảm giác luôn muốn đi vệ sinh.

Thiếu máu

Theo Viện Tim, Phổi và Máu Quốc gia Mỹ (NHLBI), thiếu máu xảy ra khi số lượng tế bào hồng cầu khỏe mạnh giảm. Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này như không ăn đủ thực phẩm giàu chất sắt hoặc kinh nguyệt nhiều, đôi khi là triệu chứng ung thư đại trực tràng. Người mới được chẩn đoán thiếu máu kèm các triệu chứng tiêu hóa này nên sàng lọc bệnh sớm.

Sụt cân không rõ nguyên nhân

Cân nặng giảm sút đột ngột, không rõ nguyên nhân hay còn gọi là giảm cân không chủ ý có thể do sức khỏe đang có vấn đề. Giảm cân không chủ ý được định nghĩa là giảm hơn 5% trọng lượng cơ thể trong vòng 6 tháng đến một năm. Có nhiều tình trạng dẫn đến sụt cân bao gồm cả ung thư đại trực tràng.

Mắc bệnh viêm ruột (IBD)

Hai loại IBD chính bao gồm bệnh Crohn và viêm loét đại tràng, đều làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng. Người mắc những bệnh này cần sàng lọc sớm hơn ở độ tuổi dưới 45. Bác sĩ thường chỉ định nội soi hoặc các xét nghiệm phân như xét nghiệm hóa miễn dịch trong phân để xác định nguy cơ. Mỗi xét nghiệm đều có những lợi ích riêng nhưng nội soi là phương pháp điển hình.

Nội soi giúp phát hiện tế bào ung thư sớm, trước khi lan rộng hoặc di căn. Các tổn thương tiền ung thư là polyp có thể phát triển trong niêm mạc đại tràng và đây thường là dấu hiệu báo trước của bệnh. Trường hợp cắt bỏ polyp theo chỉ định của bác sĩ có thể phòng ung thư.

Có tiền sử gia đình mắc bệnh

Người có cha mẹ hoặc anh chị em mắc ung thư đại trực tràng (trước 60 tuổi) hoặc polyp tiến triển nên sàng lọc sớm hơn 10 năm so với độ tuổi của người mắc. Ví dụ nếu người cha chẩn đoán mắc bệnh ở tuổi 50 thì con nên bắt đầu sàng lọc ở tuổi 40. Người có nguy cơ trung bình và không có tiền sử gia đình mắc bệnh nên sàng lọc khoảng 45-75 tuổi.

Theo: vnexpress.net

Ung thư hay các bệnh hiểm nghèo khác không phải là dấu chấm hết, nhưng với điều kiện là phát hiện sớm. Vì thế, các chuyên gia y tế khuyến khích người dân có chế độ ăn uống lành mạnh, thể dục thể thao hợp lý và gặp gỡ bác sĩ để được tư vấn danh mục khám định kỳ phù hợp dựa trên nhu cầu riêng, độ tuổi, giới tính, tiền sử gia đình, tiền sử bản thân, chế độ sinh hoạt, thói quen ăn uống, các vấn đề sức khỏe hiện tại.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *