Anh Pha, 45 tuổi, có nhân giáp ác tính xâm lấn sụn khí quản, sờ cộm vùng cổ song không ảnh hưởng chức năng nhai và giọng nói.
Ngày 31/8, ThS.BS.CKI Lê Chí Hiếu, khoa Ngoại Tim mạch – Lồng ngực, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết nhân giáp ở thùy trái của người bệnh kích thước 10x13x12 mm, loại ung thư tuyến giáp TIRADS 5, tức khả năng ác tính cao.
Theo bác sĩ Hiếu, ở những trường hợp nhân giáp nhỏ, nằm trọn một bên thùy giáp, hình ảnh siêu âm cho thấy chưa xâm lấn ra ngoài vỏ bao như anh Pha, êkíp có thể chỉ cắt một bên thùy, bảo tồn thùy còn lại. Cách này vừa giúp điều trị ung thư, vừa không cần dùng hormone tuyến giáp sau mổ. Tuy nhiên trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ bất ngờ phát hiện nhân giáp tựa sát khí quản, khả năng tế bào ác tính đã xâm lấn khu vực này. Do đó, êkíp quyết định cắt toàn bộ hai thùy giáp nhằm triệt căn ung thư.
Bác sĩ phẫu thuật bóc tách trọn vẹn tuyến giáp cho người bệnh mà không làm tổn thương khí quản. Bệnh nhân hồi phục nhanh, không gặp biến chứng khàn tiếng, hạ canxi, chảy máu, nhiễm trùng… sau mổ. Kết quả giải phẫu bệnh xác định nhân giáp tuy chưa xâm lấn ngoài vỏ bao nhưng xâm lấn vi thể sụn khí quản (chỉ quan sát thấy trên kính hiển vi). Người bệnh tiếp tục được điều trị bằng liệu pháp iốt phóng xạ, bổ sung hormone tuyến giáp suốt đời.
ThS.BS Lê Thị Ngọc Hằng, khoa Ngoại Tim mạch – Lồng ngực, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết nếu giữ lại thùy giáp phải, sau khi có kết quả giải phẫu bệnh, người bệnh cần được mổ thêm lần nữa. Điều này làm tăng nguy cơ khàn tiếng, tê tay chân, tụ dịch và nhiễm trùng vết mổ.
Các bác sĩ đánh giá anh Pha may mắn khi nhân giáp nhỏ nhưng bộc lộ triệu chứng cộm cổ, nhờ vậy đi khám và phát hiện bệnh sớm. Nếu không có bất thường, nhân giáp âm thầm tiến triển, xâm lấn toàn bộ khí quản, ca phẫu thuật khó khăn hơn, người bệnh phải cắt tuyến giáp và loại bỏ đoạn khí quản bị xâm lấn, dễ tái phát bệnh.
Các bác sĩ phẫu thuật cắt tuyến giáp cho bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện Tâm Anh
Phẫu thuật là phương pháp chính trong điều trị ung thư tuyến giáp, hiệu quả cao. Tỷ lệ sống sau 5 năm đối với bệnh nhân ung thư tuyến giáp là hơn 98%. Bệnh lý này chỉ chiếm 0,4% tổng số ca tử vong liên quan đến ung thư, theo bác sĩ Hằng.
Sau mổ, người bệnh nên duy trì chế độ ăn đủ dinh dưỡng, hạn chế nói nhiều, chăm sóc vết mổ đúng cách gồm sát khuẩn, thay băng khi cần, hạn chế để vết thương tiếp xúc với nước. Người bệnh đi khám khi vết thương chảy dịch hoặc có dấu hiệu nhiễm trùng, tránh vận động mạnh hoặc khiêng đồ nặng, giữ tinh thần thoải mái và ngủ đủ giấc, tái khám định kỳ.
Theo: vnexpress.net
Ung thư hay các bệnh hiểm nghèo khác không phải là dấu chấm hết, nhưng với điều kiện là phát hiện sớm. Vì thế, các chuyên gia y tế khuyến khích người dân có chế độ ăn uống lành mạnh, thể dục thể thao hợp lý và gặp gỡ bác sĩ để được tư vấn danh mục khám định kỳ phù hợp dựa trên nhu cầu riêng, độ tuổi, giới tính, tiền sử gia đình, tiền sử bản thân, chế độ sinh hoạt, thói quen ăn uống, các vấn đề sức khỏe hiện tại.