Bướu giáp phình to, dài gần 10 cm chèn ép khí quản, thực quản khiến bệnh nhân khó thở, nuốt nghẹn, có nguy cơ ngưng thở.
Ngày 23/5, TS.BS Nguyễn Anh Dũng (Trưởng khoa Ngoại Tim mạch – Lồng ngực, Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM) cho biết, bà Kim Thanh (86 tuổi, quận Phú Nhuận) đến khám do thường xuyên nuốt nghẹn, thở rít từng cơn. Mức độ khó thở tăng dần, nhất là khi ngủ khiến bà khó ngủ và hay thức giấc giữa đêm. Kết quả thăm khám, bác sĩ nhận thấy bệnh nhân có bướu giáp phình to, lan sang thùy trái 48x58x84 mm và thùy phải 23x43x60 mm (còn gọi là bướu giáp thòng). Người nhà cho biết, bà phát hiện bướu giáp lớn từ 3 năm trước nhưng không có triệu chứng. Bệnh nhân lớn tuổi, bệnh tim mạch nặng nên lúc đó xin điều trị nội khoa, chưa phẫu thuật.
Theo bác sĩ Dũng, nếu không phẫu thuật triệt để, bướu sẽ tiếp tục phát triển, xâm lấn, chặn đường thở và thực quản, gây tử vong. Tuy nhiên, bệnh nhân bị suy tim, rung nhĩ, phình động mạch chủ bụng, bệnh động mạch vành mạn tính, nếu gây mê không tốt có thể dẫn tới biến chứng đột quỵ, nhồi máu cơ tim. Bướu còn thòng xuống lồng ngực, gần vị trí động mạch chủ (động mạch lớn nhất trong cơ thể, có nhiệm vụ đưa máu từ tim đi nuôi toàn bộ cơ quan) nên nguy cơ tổn thương động mạch này rất cao. Ngoài ra, u to còn gây cường giáp, tăng sinh mạch máu, dễ chảy máu nhiều.
Trong suốt cuộc mổ, êkíp bác sĩ kiểm soát nhịp tim và các chỉ số khác, tránh các tai biến, không gây tổn thương mạch máu, hạn chế chảy máu. Sau 50 phút, toàn bộ thùy phải và bán phần thùy trái tuyến giáp được loại bỏ, bướu giáp được nạo gần như hoàn toàn.
Một ngày sau phẫu thuật, bà Thanh ăn uống bình thường và không còn khó thở. Bà không cảm thấy đau, xuất viện sau 4 ngày theo dõi, tiếp tục điều trị với thuốc tim mạch và tuyến giáp.
ThS.BS Đỗ Thị Hoài Thơ (Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM) chia sẻ, đa số bướu giáp thòng lành tính, chỉ có 3-6% là ác tính. Nguyên nhân gây bướu giáp thòng là do sự lớn dần và di chuyển xuống trung thất của bướu giáp (thứ phát). Tình trạng này còn có thể do bướu giáp lạc chỗ, nằm hoàn toàn trong lồng ngực và không liên quan với cấu trúc tuyến giáp vùng cổ, còn gọi là bướu giáp chìm trong trung thất (nguyên phát).
Bướu giáp thòng trung thất chiếm tỷ lệ nhỏ (3-20%) trong các trường hợp bướu giáp. Không chỉ xâm lấn thùy giáp, chèn ép các cấu trúc vùng cổ như thực quản và khí quản, loại bướu này còn thòng xuống lồng ngực, chèn ép các mạch máu quan trọng gây triệu chứng tức ngực, khó thở, khàn giọng, nuốt nghẹn… Tùy từng trường hợp, bướu có thể tăng kích thước hoặc không. Do đó, khi phát hiện, người bệnh cần tái khám định kỳ để theo dõi kích thước bướu và can thiệp kịp thời.
Theo: vnexpress.net