Vết loét không lành, xuất hiện vùng chảy máu hoặc đóng vảy trên môi có thể cảnh báo ung thư môi.
Theo Viện Ung thư Quốc gia Mỹ, ung thư môi là một loại ung thư đầu và cổ ít gặp, xuất hiện ở nam giới 50-70 tuổi nhiều hơn. Bệnh phát triển trên da môi khi các tế bào tạo nên môi phát triển ngoài tầm kiểm soát và hình thành khối u. Tế bào ác tính có xu hướng ảnh hưởng đến môi dưới hơn.
Bệnh có thể gây triệu chứng như vết loét trên môi không lành, vùng chảy máu hoặc đóng vảy trên môi; môi đổi màu trắng phẳng, đôi khi hơi nhô lên; đau, tê, sưng, ngứa ran ở môi hoặc vùng da quanh môi.
Ung thư môi trông rất giống vết loét miệng. Ở người có làn da sẫm màu, vết loét có màu nâu sẫm hoặc xám. Với người có làn da sáng hơn, nó có thể xuất hiện màu đỏ. Một số người nhầm ung thư môi với vết loét lạnh nhưng vết loét lạnh thường khỏi sau khoảng 10 ngày, trong khi loại ung thư này tồn tại lâu dài.
Có nhiều loại u ác tính khác nhau ảnh hưởng đến môi. Ung thư biểu mô tế bào vảy là loại ung thư môi phổ biến nhất. Khối u phát triển trong các tế bào mỏng, phẳng dọc theo môi và các vùng khác của miệng. Hơn 90% khối u ở môi là ung thư biểu mô tế bào vảy.
Ung thư da có thể phát triển trên môi hoặc bên trong miệng, khá nguy hiểm. Ung thư hạch (một loại ung thư ảnh hưởng đến các tế bào miễn dịch lympho) đôi khi hình thành trong miệng và trên môi.
Ung thư biểu mô tế bào đáy thường ảnh hưởng đến môi trên hơn và không nguy hiểm. Ung thư tuyến nước bọt nhỏ xuất hiện ở các tuyến sản xuất nước bọt cũng có thể biểu hiện ở môi.
Theo Ủy ban Hỗn hợp Ung thư Mỹ, ung thư môi được phân loại giai đoạn từ 0 đến 4. Con số càng cao thì bệnh càng tiến triển. Ví dụ, ở giai đoạn 0, ung thư chỉ ảnh hưởng đến lớp tế bào trên cùng, trong khi sang giai đoạn 4, tế bào khối u có thể đã lan đến xương xung quanh (di căn).
Các xét nghiệm như sinh thiết, nội soi, chụp cắt lớp vi tính (CT), chụp cộng hưởng từ (MRI)… giúp chẩn đoán bệnh. Phương pháp điều trị phụ thuộc vào loại, giai đoạn ung thư và các yếu tố khác, gồm phẫu thuật, hóa xạ trị, liệu pháp nhắm mục tiêu, liệu pháp miễn dịch. Trong đó, phẫu thuật là phương pháp điều trị phổ biến nhất.
Điều trị ung thư môi có thể dẫn đến các biến chứng như biến dạng môi, miệng hoặc khuôn mặt, vấn đề về lời nói, buồn nôn và nôn, mệt mỏi, đau họng, chán ăn, giảm cân. Da khô, thiếu máu, tăng nguy cơ nhiễm trùng cũng thường xảy ra.
Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, người bị ung thư môi có tỷ lệ sống sót cao vì bệnh thường được chẩn đoán và điều trị ở giai đoạn đầu. Tỷ lệ sống sót sau 5 năm là 94% khi tế bào ung thư chưa lan ra ngoài môi, 63% nếu đã lan đến các khu vực lân cận hoặc hạch bạch huyết, 38% khi khối u đã di căn đến xương, phổi.
Ung thư môi có thể tái phát sau khi được phẫu thuật cắt bỏ. Trường hợp này, tiên lượng thường xấu và bệnh nhân có nguy cơ tử vong cao hơn.
Một số yếu tố nguy cơ của ung thư môi như hút thuốc lá, uống nhiều rượu, tiếp xúc với ánh nắng mặt trời quá mức, hệ thống miễn dịch suy yếu, nhiễm virus u nhú ở người (HPV). Theo hệ thống Phòng khám Cleveland (Mỹ), phần lớn bệnh ung thư môi có liên quan đến hút thuốc lá. Sử dụng rượu và thuốc lá cùng nhau tăng khả năng mắc bệnh.
Tránh hút thuốc lá, hạn chế uống rượu, không tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong thời gian dài giúp giảm nguy cơ ung thư môi. Sử dụng kem chống nắng và quần áo bảo hộ khi làm việc dưới trời nắng, tiêm vaccine HPV và sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục để hạn chế rủi ro mắc bệnh.
Theo: vnexpress.net
Ung thư hay các bệnh hiểm nghèo khác không phải là dấu chấm hết, nhưng với điều kiện là phát hiện sớm. Vì thế, các chuyên gia y tế khuyến khích người dân có chế độ ăn uống lành mạnh, thể dục thể thao hợp lý và gặp gỡ bác sĩ để được tư vấn danh mục khám định kỳ phù hợp dựa trên nhu cầu riêng, độ tuổi, giới tính, tiền sử gia đình, tiền sử bản thân, chế độ sinh hoạt, thói quen ăn uống, các vấn đề sức khỏe hiện tại.