Bộ Y tế đề xuất nên đưa dịch vụ khám sàng lọc sớm một số bệnh, trong đó có một số loại ung thư, vào danh mục được Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả để người dân được phát hiện, điều trị sớm.
Phát biểu tại Hội thảo đề xuất xây dựng phạm vi quyền lợi BHYT về vấn đề chẩn đoán, điều trị sớm một số bệnh trong dự án luật BHYT sửa đổi do Bộ Y tế tổ chức sáng nay 8.9, tại Hà Nội, bà Trần Thị Trang, quyền Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế), cho biết Việt Nam hiện có 91 triệu người tham gia BHYT, đạt 92,4% dân số. Năm 2020, có hơn 150 triệu lượt được Quỹ BHYT thanh toán. Hiện, Quỹ BHYT tập trung chi trả cho điều trị. Trong khi đó, nhiều bệnh nếu được phát hiện sớm giúp giảm chi phí điều trị rất lớn, từ đó giảm gánh nặng chi trả của người dân cũng như từ Quỹ BHYT. Tại dự thảo luật BHYT sửa đổi do Bộ Y tế chủ trì, ban soạn thảo đề xuất sửa đổi 5 nhóm nội dung, trong đó quan trọng nhất là mở rộng quyền lợi của người tham gia BHYT. Hiện, khoảng 43% chi phí khám, chữa bệnh người dân phải tự chi trả từ tiền túi. Việt Nam đang phấn đấu giảm tỷ lệ này xuống 30 – 35%. Lý tưởng nhất là tỷ lệ này chỉ ở mức khoảng 25%, thêm cơ hội cho người dân được tiếp cận dịch vụ y tế. Theo bà Trang, Bộ Y tế đề xuất đưa dịch vụ khám sàng lọc sớm (trong đó có một số loại ung thư) một số bệnh vào danh mục được Quỹ BHYT chi trả để người dân được phát hiện, điều trị sớm, từ đó sẽ giảm gánh nặng chi trả của quỹ cũng như người dân. Đề xuất này dựa trên các thông tin khoa học về hiệu quả khi chi trả cho dịch vụ chẩn đoán sớm một số bệnh, cụ thể là ung thư cổ tử cung. Ung thư cổ tử cung là ung thư phổ biến ở phụ nữ. Bệnh có thể phòng ngừa bằng vắc xin và chữa khỏi khi được phát hiện sớm, điều trị sớm. Tại Việt Nam, mỗi năm có 5.100 ca mắc ung thư cổ tử cung và 50% trong đó tử vong. Nếu không được quan tâm sớm, tỷ lệ này có thể tăng, cùng với đó việc điều trị khó khăn, chi phí lớn hơn rất nhiều. Tại hội thảo, các chuyên gia y tế cho hay 99 – 100% các ca ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm, giai đoạn tiền ung thư được điều trị lành bệnh. Việt Nam đang hướng đến mục tiêu 60% phụ nữ trong nhóm nguy cơ được sàng lọc sớm ung thư cổ tử cung vào năm 2025. Hiện, chỉ 28% phụ nữ trong nhóm nguy cơ được sàng lọc. Trong 5 năm qua, tỷ lệ này trung bình chỉ đạt 21%.Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới và các chuyên gia kinh tế, 1 USD chi cho dự phòng, điều trị sớm bệnh sẽ giúp tiết kiệm được khoảng 28 USD. Do đó, sàng lọc, phát hiện sớm một số bệnh cũng là cách sử dụng thông minh, hiệu quả, tiết kiệm và góp phần đảm bảo cân đối Quỹ BHYT. Đồng thời, phạm vi, quyền lợi của người dân ngày càng được mở rộng, giảm chi tiền túi của người dân cho các dịch vụ y tế.
Tổ chức Y tế thế giới đưa ra mục tiêu đến năm 2030, 90% phụ nữ trong độ tuổi được tiêm vắc xin ung thư cổ tử cung; 70% phụ nữ nguy cơ được sàng lọc phát hiện sớm; 90% các ca phát hiện được điều trị.Theo: thanhnien.vn
Ung thư hay các bệnh hiểm nghèo khác không phải là dấu chấm hết, nhưng với điều kiện là phát hiện sớm. Vì thế, các chuyên gia y tế khuyến khích người dân có chế độ ăn uống lành mạnh, thể dục thể thao hợp lý và gặp gỡ bác sĩ để được tư vấn danh mục khám định kỳ phù hợp dựa trên nhu cầu riêng, độ tuổi, giới tính, tiền sử gia đình, tiền sử bản thân, chế độ sinh hoạt, thói quen ăn uống, các vấn đề sức khỏe hiện tại.