Nghiên cứu mới cho thấy số ca ung thư ở người dưới 50 tuổi toàn cầu tăng gần 80% trong ba thập kỷ qua, nguyên nhân một phần từ lối sống.
Nghiên cứu do Đại học Edinburgh (Scotland) và Trường Y Đại học Chiết Giang (Trung Quốc) thực hiện, công bố trên tạp chí BMJ Oncology ngày 7/9. Nhóm nghiên cứu nói số ca ung thư khởi phát sớm có mức tăng đáng báo động, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nghiên cứu biện pháp điều trị và phòng ngừa.
Các chuyên gia đã tổng hợp dữ liệu từ 204 quốc gia, gồm 29 loại ung thư. Họ đi sâu phân tích các trường hợp mới, tử vong, ý nghĩa sức khỏe và các yếu tố nguy cơ khiến người từ 14 đến 49 tuổi mắc bệnh kể từ năm 1990 đến năm 2019.
Trong khoảng thời gian này, số ca mắc ung thư khởi phát sớm trên toàn cầu tăng từ 1,82 triệu lên 3,26 triệu. Tỷ lệ tử vong ở độ tuổi 40, 30 hoặc trẻ hơn tăng 27%, tương đương hơn một triệu bệnh nhân dưới 50 tuổi tử vong vì ung thư mỗi năm.
Số ca mắc và tử vong do ung thư vú là cao nhất, tỷ lệ lần lượt là 13,7 và 3,5 trên 100.000 dân số toàn cầu. Ung thư khí quản và tuyến tiền liệt có sự gia tăng nhanh chóng nhất, mức tăng hàng năm lần lượt là 2,28% và 2,23%.
Các khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi bệnh ung thư khởi phát sớm vào năm 2019 là Bắc Mỹ, châu Đại Dương và Tây Âu. Trong khi đó, các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình cũng không tránh khỏi tình trạng này. Khu vực có tỷ lệ tử vong vì ung thư ở người dưới 50 tuổi cao nhất là châu Đại Dương, Đông Âu và Trung Á. Đặc biệt ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, ung thư khởi phát sớm có ảnh hưởng sâu sắc hơn đến phụ nữ
“Theo hiểu biết của chúng tôi cho đến nay, số ca chẩn đoán ung thư tăng là do gia tăng dân số, công nghệ sàng lọc hiện đại hơn (phát hiện nhiều bệnh nhân hơn). Tuy nhiên, một phần nguyên nhân là lối sống, thói quen hút thuốc, uống rượu, tình trạng béo phì, thiếu tập thể dục, thiếu trái cây và rau quả tươi”, Sayed Ali, bác sĩ chuyên khoa ung thư tại Bệnh viện St John of God Subiaco ở Perth, nhận định.
Làm sáng tỏ nguyên nhân sau sự gia tăng vẫn là thách thức đối với các chuyên gia. Dữ liệu chỉ ra rằng chế độ ăn nhiều thịt đỏ và muối, ít trái cây cùng việc sử dụng thuốc lá và rượu là những yếu tố nguy cơ chính gây các bệnh ung thư phổ biến nhất ở người dưới 50 tuổi.
“Kể từ năm 1990, tỷ lệ mắc và tử vong do ung thư khởi phát sớm đã tăng đáng kể trên toàn cầu. Cách để làm giảm gánh nặng ung thư khởi phát sớm là lối sống lành mạnh, chế độ ăn hợp lý, hạn chế tiêu thụ thuốc lá và rượu, hoạt động ngoài trời”, trích dẫn từ nghiên cứu.
Theo: vnexpress.net
Ung thư hay các bệnh hiểm nghèo khác không phải là dấu chấm hết, nhưng với điều kiện là phát hiện sớm. Vì thế, các chuyên gia y tế khuyến khích người dân có chế độ ăn uống lành mạnh, thể dục thể thao hợp lý và gặp gỡ bác sĩ để được tư vấn danh mục khám định kỳ phù hợp dựa trên nhu cầu riêng, độ tuổi, giới tính, tiền sử gia đình, tiền sử bản thân, chế độ sinh hoạt, thói quen ăn uống, các vấn đề sức khỏe hiện tại.