Sàng lọc ung thư là kiểm tra ung thư ở những người không có triệu chứng. Với một số loại ung thư, sàng lọc kịp thời rất quan trọng vì sẽ giúp phát hiện sớm bệnh, nhờ đó giúp tăng tỷ lệ sống sót cho bệnh nhân.
Phát hiện ung thư khi còn ở giai đoạn sớm đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc điều trị và cải thiện khả năng điều trị thành công. Khi đó, bác sĩ sẽ can thiệp để giảm nguy cơ di căn và tăng hiệu quả của phương pháp điều trị, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).
Có nhiều phương pháp sàng lọc ung thư khác nhau, từ xét nghiệm hình ảnh, xét nghiệm máu, nước tiểu, tế bào, nội soi và một số phương pháp khác. Nhiều bằng chứng nghiên cứu cho thấy khám sàng lọc để phát hiện ung thư là tiêu chuẩn vàng để phát hiện sớm và điều trị bệnh.
Ở phụ nữ, khám sàng lọc ung thư vú và ung thư cổ tử cung nên bắt đầu từ năm 35 tuổi. Với ung thư vú, phụ nữ cần thường xuyên kiểm tra vú xem có xuất hiện cục u bất thường hay không. Tại bệnh viện, bác sĩ thường sàng lọc ung thư vú bằng chụp nhũ ảnh. Chụp nhũ ảnh, hay chụp X-quang vú, sẽ giúp bác sĩ phát hiện các bất thường bên trong vú.
Tương tự, khám sàng lọc ung thư cổ tử cung cũng cần bắt đầu khi ở tuổi 35. Xét nghiệm PAP, tức phết tế bào cổ tử cung, sẽ giúp phát hiện tế bào tiền ung thư và ung thư cổ tử cung.
Đừng lơ là sàng lọc ung thư đại trực tràng
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), ngoài ung thư vú và cổ tử cung thì còn một loại ung thư khác có thể phát hiện sớm một cách hiệu quả nếu khám sàng lọc thường xuyên là ung thư đại trực tràng.
Trong hầu hết ca bệnh thì ung thư đại trực tràng đều phát triển từ polyp tiền ung thư, tức những tổn thương giống như cục u bên trong đại tràng hoặc trực tràng. Khám sàng lọc có thể phát hiện các dấu vết tiền ung thư này và loại bỏ chúng trước khi phát triển thành ung thư.
Sàng lọc ung thư phổi thường được khuyến cáo với những người có nguy cơ cao. Đó là những người có tiền sử nghiện thuốc lá nặng, đang nghiện thuốc, đã bỏ thuốc trong vòng 15 năm và có độ tuổi từ 50 đến 80.