Phòng ung thư dạ dày thế nào là hiệu quả?

Ngày càng nhiều người, đặc biệt là người trẻ, được chẩn đoán ung thư dạ dày. Bệnh có thể phòng ngừa và chữa trị khỏi nếu chúng ta biết cách.

PGS.TS.BS Nguyễn Anh Tuấn và ê kíp thực hiện phẫu thuật cho bệnh nhân - Ảnh: HÀ LINH

Xu hướng trẻ hóa ung thư dạ dày do người trẻ chủ quan với sức khỏe

Theo thống kê của Bộ Y tế, ung thư dạ dày là bệnh ung thư thứ 4 phổ biến nhất tại Việt Nam, chiếm tỉ lệ 13,4% trong số các bệnh ung thư. Tuy nhiên, tỉ lệ mắc ung thư dạ dày ở Việt Nam không đồng đều, với những vùng miền Trung và Tây Nguyên có tỉ lệ mắc cao hơn so với các vùng khác.

PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, chủ nhiệm khoa phẫu thuật ống tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết trong những năm gần đây, tỉ lệ người bệnh mắc ung thư dạ dày đến viện khám ngày một nhiều.

Nếu như trước đây, độ tuổi hay gặp là ngoài 50 thì gần đây độ tuổi mắc bệnh đang có xu hướng trẻ hóa, nhiều trường hợp dưới 40 tuổi và không ít bệnh nhân trẻ hơn đã mắc bệnh.

Một số người bệnh được phát hiện ở giai đoạn sớm nên tỉ lệ khỏi bệnh cao. Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn, nhiều trường hợp mắc ở tuổi còn trẻ nhưng lại phát hiện bệnh muộn khiến việc điều trị gặp nhiều khó khăn và tỉ lệ sống hạn chế.

Nói về ca bệnh nam 28 tuổi ung thư dạ dày đã di căn, PGS Tuấn vô cùng đáng tiếc. Bệnh nhân làm việc trong ngành viễn thông, khoảng 1 năm trước thấy xuất hiện các triệu chứng đau âm ỉ vùng thượng vị, rối loạn tiêu hóa, đi ngoài phân đen… nhưng do bận và đi công tác thường xuyên, bệnh nhân không đi khám.

Sau 2 tháng, các triệu chứng bắt đầu nặng hơn, đau bụng nhiều, ăn gì nôn đó, có khi nôn ra máu. Lúc này thì bệnh đã chuyển sang giai đoạn nặng, khối u trong dạ dày đã bắt đầu di căn phúc mạc: ổ bụng có dịch, bụng chướng to…

“Ê kíp chúng tôi phẫu thuật để xử lý khối u trước, sau đó bệnh nhân tiếp tục điều trị hóa chất, đến nay được 8 tháng bệnh nhân vẫn đang điều trị và sức khỏe duy trì ổn định nhưng con đường điều trị phía trước còn rất gian nan” – PGS.TS Tuấn cho biết.

Tại Bệnh viện 108 những tháng gần đây ghi nhận nhiều bệnh nhân ung thư, nhưng tỉ lệ ung thư dạ dày chiếm phần nhiều hơn cả, nhiều ca trẻ tuổi. Trường hợp bệnh nhân trên cho thấy có sự trẻ hóa ung thư, khi phát hiện ra bệnh đã ở giai đoạn muộn.

Biểu hiện của ung thư dạ dày - Ảnh: BSCC

Biểu hiện của ung thư dạ dày – Ảnh: BSCC

Nguyên nhân khiến nhiều người trẻ mắc ung thư dạ dày

Ung thư dạ dày là một loại ung thư bắt nguồn từ các tế bào dạ dày bất thường phát triển không kiểm soát, có khả năng xâm lấn và phá hủy các mô xung quanh. Đây là một trong những loại ung thư phổ biến nhất trên toàn cầu và có thể gây tử vong nếu không phát hiện và điều trị kịp thời.

Theo PGS Nguyễn Anh Tuấn, ung thư dạ dày có nhiều nguyên nhân gây ra, nhưng yếu tố chính là vi khuẩn Helicobacter pylori (H. pylori) gây loét dạ dày. Vi khuẩn này được cho là gây ra khoảng 70% trường hợp ung thư dạ dày.

Ngoài ra, việc sử dụng thuốc chống viêm không steroid (NSAID), hút thuốc lá, uống nhiều rượu, chế độ ăn uống không đúng cách và yếu tố di truyền cũng có thể góp phần vào nguy cơ mắc bệnh.

Ung thư dạ dày là một trong những bệnh lý ác tính nguy hiểm, tuy nhiên triệu chứng lâm sàng của bệnh thường không đặc hiệu, do đó không ít người đã bỏ lỡ cơ hội vàng trong điều trị.

Bệnh có thể không gây ra triệu chứng trong giai đoạn đầu, khi phát triển có thể gây ra những triệu chứng như: đau hoặc khó chịu ở vùng dạ dày hoặc bụng; khó tiêu, ợ nóng, ợ chua, đầy bụng, khó chịu sau khi ăn; buồn nôn, nôn mửa; tiêu chảy hoặc táo bón; sụt cân nhanh chóng; mệt mỏi, suy nhược cơ thể…

PGS Tuấn khẳng định: “Ung thư dạ dày là một trong những bệnh lý ác tính phổ biến dễ di căn. Đây là một căn bệnh nguy hiểm nhưng có thể được chữa khỏi với điều kiện phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm”.

Để phát hiện bệnh sớm cần dựa vào 2 yếu tố:

1. Tầm soát ở những đối tượng có nguy cơ trong gia đình có người ung thư, viêm loét dạ dày lâu năm… cần khám định kỳ để sàng lọc.

2. Dựa vào những triệu chứng mơ hồ như thường xuyên đau vùng trên rốn, đầy bụng, khó tiêu, sút cân…

“Vì vậy, tôi khuyến cáo bệnh nhân không nên chủ quan với bất kỳ dấu hiệu cảnh báo nào của cơ thể, tầm soát để phát hiện và điều trị ung thư sớm”, PGS Tuấn nhấn mạnh.

Với sự phát triển của y học hiện đại, các phương pháp điều trị ung thư dạ dày cũng được tối đa hóa hiệu quả, giúp bệnh nhân điều trị khỏi hoàn toàn ở giai đoạn sớm hoặc kéo dài sự sống ở giai đoạn muộn.

Kết quả điều trị phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tuổi, sức khỏe tổng thể, giai đoạn của bệnh, loại bệnh và phương pháp điều trị được sử dụng. Tuy nhiên, nếu được phát hiện và điều trị kịp thời, cơ hội sống sót của bệnh nhân có thể được nâng cao.

Để hạn chế mắc ung thư dạ dày, PGS Nguyễn Anh Tuấn khuyến cáo áp dụng các biện pháp sau:
– Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, đa dạng và giàu chất xơ, chất dinh dưỡng.
– Kiểm soát cân nặng và tập luyện thường xuyên.
– Hạn chế tiêu thụ rượu, thuốc lá và các chất gây ung thư khác.
– Kiểm tra và điều trị các bệnh liên quan đến dạ dày, chẳng hạn như viêm loét dạ dày…
– Thực hiện kiểm tra sàng lọc định kỳ để phát hiện sớm bất kỳ dấu hiệu của ung thư dạ dày.

Theo: tuoitre.vn

Ung thư hay các bệnh hiểm nghèo khác không phải là dấu chấm hết, nhưng với điều kiện là phát hiện sớm. Vì thế, các chuyên gia y tế khuyến khích người dân có chế độ ăn uống lành mạnh, thể dục thể thao hợp lý và gặp gỡ bác sĩ để được tư vấn danh mục khám định kỳ phù hợp dựa trên nhu cầu riêng, độ tuổi, giới tính, tiền sử gia đình, tiền sử bản thân, chế độ sinh hoạt, thói quen ăn uống, các vấn đề sức khỏe hiện tại.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *