Chị Mơ, 54 tuổi, mắc hai loại ung thư, được bác sĩ phẫu thuật cắt tuyến giáp, hai tuyến vú và tái tạo ngực trong một cuộc mổ.
Chị Mơ đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM tầm soát ung thư, vào đầu tháng 7. ThS.BS Huỳnh Bá Tấn, khoa Ngoại Vú, phát hiện thùy trái của tuyến giáp bệnh nhân có khối u 8 mm, nằm sát vỏ bao. Kết quả siêu âm, chụp nhũ ảnh ghi nhận ngực phải có bất thường, ngực trái có các mảng xáo trộn cấu trúc và chùm nang nhỏ.
Kết quả sinh thiết cho thấy người bệnh mắc ung thư tuyến giáp dạng nhú. Bác sĩ dùng kỹ thuật sinh thiết có hỗ trợ hút chân không (VABB), chẩn đoán ung thư biểu mô tuyến vú xâm nhập thể ống ở ngực phải, mức độ một.
Như vậy bệnh nhân mắc cùng lúc hai ung thư là tuyến giáp và vú. Người bệnh được bác sĩ tư vấn phẫu thuật bảo tồn hoặc cắt bỏ tuyến vú để điều trị ung thư và sinh thiết hạch gác cửa (hạch bạch huyết đầu tiên mà các tế bào ung thư tiếp cận). Sau khi cân nhắc, người bệnh chọn cắt tuyến vú để loại bỏ khối u và tái tạo ngực nhằm giữ được vẻ đẹp, sự tự tin.
Ngày 12/7, ê kíp thực hiện phẫu thuật “3 trong 1” gồm cắt tuyến giáp, hai tuyến vú, sinh thiết hạch gác cửa và tái tạo ngực trong 5 giờ. Bác sĩ cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp trong 30 phút với sự hỗ trợ của dao siêu âm hiện đại. Quá trình phẫu thuật bảo tồn các tuyến cận giáp và dây thần kinh thanh quản hai bên, ít chảy máu.
Trong cuộc phẫu thuật, bác sĩ tiêm chất màu xanh (xanh methylen) quanh quầng vú, sau 10 phút, rạch đường ở nách để lấy các hạch nách xét nghiệm. Trong khi chờ kết quả sinh thiết hạch, kíp mổ cắt bỏ toàn bộ tuyến vú trái và phải. Kết quả xét nghiệm hạch nách không di căn nên không cần nạo hạch nách. Người bệnh được tái tạo bằng túi ngực ngay sau đó. Bác sĩ cắt gọn, sát trùng hai khoang ngực, đưa túi ngực vào sau cơ ngực, điều chỉnh bàn mổ để người bệnh ở tư thế ngồi, cân chỉnh hai bên.
Theo bác sĩ Tấn, để thực hiện ca phẫu thuật “3 trong 1” cần có trang thiết bị phòng mổ hiện đại, bác sĩ gây mê liên tục theo dõi, giám sát tình trạng của người bệnh và phẫu thuật viên nhiều kinh nghiệm. Người bệnh đã được đánh giá đủ sức khỏe.
Chị Mơ cho biết từng suy sụp khi mắc cùng lúc hai bệnh ung thư. Sau khi điều trị, chị tự tin hơn khi lấy lại dáng ngực, mặc trang phục vừa vặn, hạnh phúc trong đời sống hôn nhân.
Người bệnh chọn phương pháp bảo tồn vú sẽ được phẫu thuật loại bỏ khối u và một phần mô vú bình thường xung quanh. Người bệnh vẫn còn ngực, đảm bảo thẩm mỹ. Sau đó, bác sĩ xạ trị để giảm nguy cơ ung thư tái phát ở mô vú còn lại. Với phương pháp cắt toàn bộ tuyến vú, người bệnh sẽ loại bỏ hoàn toàn khối u và cả tuyến vú ở ngực bị ung thư. Trường hợp của chị Mơ, gia đình có nhiều người thân ung thư nên cắt tuyến vú bên chưa mắc bệnh để phòng ngừa, sau đó tái tạo cả hai bằng túi ngực hoặc vạt da cơ.
Theo bác sĩ Tấn, phẫu thuật cho người bệnh mắc hai loại ung thư và tái tạo ngực cùng lúc rất ít gặp. Thông thường, người bệnh sẽ được phẫu thuật một trong hai loại ung thư (ung thư vú hoặc ung thư tuyến giáp). Sau đó, khi sức khỏe ổn định, bệnh nhân mới được thực hiện ca mổ còn lại. Tại khoa Ngoại Vú, bệnh nhân này được thực hiện phẫu thuật “3 trong 1” tránh trải qua nhiều cuộc mổ, chịu ảnh hưởng của thuốc mê, các cơn đau, tâm lý lo sợ…
Bác sĩ Tấn cho biết thêm sinh thiết hạch gác cửa là kỹ thuật mới, giúp phẫu thuật viên đưa ra quyết định có nạo hạch nách hay không, hạn chế biến chứng phù tay, tê tay hay phải hạn chế vận động khớp vai cho người bệnh. Tất cả người bệnh ung thư vú giai đoạn sớm tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM đều được bác sĩ sử dụng kỹ thuật này.
Ung thư vú nếu được phát hiện sớm, tỷ lệ khỏi bệnh có thể lên đến 90%. Có nhiều nghiên cứu cho thấy tỷ lệ sống thêm sau 5 năm của bệnh nhân có thể đạt tới 100% nếu được phát hiện ở giai đoạn tiền lâm sàng (giai đoạn 0). Tỷ lệ này giảm xuống còn 95% ở giai đoạn I, 80% ở giai đoạn II, 72% ở giai đoạn III và chỉ còn 25% ở giai đoạn IV.
Ung thư tuyến giáp là bệnh ung thư tuyến nội tiết phổ biến. Theo nghiên cứu của Hiệp hội Ung thư Mỹ trong giai đoạn 2012-2018, tỷ lệ sống sót qua 5 năm đối với bệnh nhân mắc ung thư tuyến giáp giai đoạn khu trú lên đến hơn 99%. Tỷ lệ này giảm còn 53% khi khối u di căn đến các cơ quan khác. Phát hiện và điều trị ung thư giai đoạn sớm có ý nghĩa quan trọng, giúp tăng hiệu quả điều trị thành công.
Theo: vnexpress.net