Người bệnh ung thư thanh quản sống được bao lâu?

Tôi được chẩn đoán mắc ung thư thanh quản giai đoạn 2A, đã phẫu thuật cắt thanh quản và đang hóa trị. Tiên lượng sau điều trị như thế nào? (Minh Thông, 57 tuổi).

Trả lời:

Ung thư thanh quản được chia thành ba loại, dựa trên vị trí xuất hiện tế bào ung thư, bao gồm thượng thanh môn, thanh môn và hạ thanh môn. Tỷ lệ ung thư thanh quản của ba vị trí này lần lượt là 30-35%, 60-65%, 5%.

Tỷ lệ điều trị khỏi ung thư thanh quản cao nếu được phát hiện sớm. Điều trị bệnh ở giai đoạn tiến triển, giai đoạn muộn xuất hiện triệu chứng khàn giọng, thay đổi giọng nói, đau họng, cảm giác nghẹn khi nuốt, ho kéo dài, thở khò khè, đau tai… gặp nhiều khó khăn.

Bệnh chia làm 5 giai đoạn, mỗi giai đoạn có tiên lượng sống khác nhau. Giai đoạn 0-1, tỷ lệ sống từ 5 năm trở lên trên 90%. Người bệnh ung thư giai đoạn ba, tỷ lệ sống thêm 5 năm giảm xuống 60%. Ở giai đoạn cuối, tỷ lệ này khoảng 30%.

Với tình trạng của anh, bệnh ở giai đoạn 2A, tế bào ung thư vẫn nằm trong thanh quản, chưa lan đến các hạch bạch huyết hoặc cơ quan lân cận. Anh đã phẫu thuật cắt thanh quản, đang hóa trị cần tuân thủ điều trị theo phác đồ của bác sĩ. Anh nên có có lối sống lành mạnh, ăn uống đủ chất, tập thể dục theo tình trạng sức khỏe, giữ trạng thái tinh thần tốt để cải thiện kết quả điều trị.

Tỷ lệ bệnh nhân phát hiện ung thư thanh quản sớm sống sau 5 năm tương đối khả quan. Thực tế, nhiều người bệnh có thể sống hơn thời gian dự đoán 5 năm, có thể 10 năm. Một số phương pháp điều trị ở giai đoạn đầu như phẫu thuật, xạ trị, bảo toàn chức năng thanh quản.

Người bệnh phát hiện muộn có tiên lượng sống không khả quan, cần kết hợp điều trị đa mô thức để tăng hiệu quả. Khả năng bảo tồn thanh quản tương đối thấp.

Loại ung thư này thường gặp ở nam giới do thói quen lạm dụng thuốc lá, rượu bia. Nếu không được điều trị sớm, người bệnh có thể khó nói, khó nuốt thức ăn, thở không tự nhiên.

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh như nam giới, người trên 40 tuổi, hút thuốc lá, uống rượu bia nhiều, thường xuyên làm việc trong môi trường ô nhiễm, gia đình có người bị ung thư đầu cổ.

Theo: vnexpress.net

Ung thư hay các bệnh hiểm nghèo khác không phải là dấu chấm hết, nhưng với điều kiện là phát hiện sớm. Vì thế, các chuyên gia y tế khuyến khích người dân có chế độ ăn uống lành mạnh, thể dục thể thao hợp lý và gặp gỡ bác sĩ để được tư vấn danh mục khám định kỳ phù hợp dựa trên nhu cầu riêng, độ tuổi, giới tính, tiền sử gia đình, tiền sử bản thân, chế độ sinh hoạt, thói quen ăn uống, các vấn đề sức khỏe hiện tại.  

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *