Người bệnh nên chia nhỏ 6-8 bữa ăn mỗi ngày, uống nhiều nước, bổ sung đủ chất béo, chất đạm, vitamin, khoáng chất và tinh bột để bớt mệt mỏi, phục hồi nhanh.
Hóa trị gây ra các tác dụng phụ như mệt mỏi, buồn nôn, khó nuốt, lở miệng… khiến người bệnh khó chịu, giảm cảm giác thèm ăn, ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị.
BS.CKI Nguyễn Chí Thanh, khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, khuyến cáo người bệnh tuân thủ chế độ ăn theo hướng dẫn của bác sĩ từ khi được chẩn đoán đến suốt quá trình điều trị. Chế độ dinh dưỡng của người ung thư được xây dựng dựa trên thể trạng từng người và các yếu tố như mức độ xâm lấn khối u, giai đoạn, phương pháp điều trị, tiên lượng bệnh và các bệnh kết hợp.
Mục tiêu chính của liệu pháp dinh dưỡng là duy trì thể trạng cho người bệnh, tăng cường hệ thống miễn dịch và chức năng của các cơ quan. Trong thời gian hóa trị, người bệnh nên chia các bữa ăn thành 6-8 bữa mỗi ngày. Uống nước theo công thức: khối lượng cơ thể (kg) x 40 là số ml cần uống mỗi ngày để đảm bảo đủ lượng nước cho cơ thể.
Người bệnh nên ăn uống đa dạng và đầy đủ nhóm dinh dưỡng thiết yếu như chất béo, chất đạm, tinh bột, vitamin và khoáng chất, cụ thể:
Protein là dưỡng chất cần thiết để cơ thể duy trì mô cơ, tăng cường hệ miễn dịch. Protein có nhiều trong cả động vật và thực vật như cá, thịt nạc, trứng, quả hạnh, đậu lăng…
Carbohydrate là nguồn năng lượng chính của cơ thể, cung cấp glucose cho hoạt động của não bộ và cơ bắp. Nguồn thực phẩm chứa nhiều carbohydrate mà người bệnh nên sử dụng gồm trái cây, khoai tây, cà rốt, đậu, yến mạch, ngũ cốc nguyên hạt…
Chất béo không bão hòa giúp người bệnh dự trữ năng lượng, hỗ trợ vận chuyển một số vitamin qua máu. Chế độ ăn nhiều chất béo không bão hòa góp phần cải thiện chức năng não bộ, giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Thực phẩm giàu chất béo tốt như sữa chua, bơ, hạt hướng dương, hạt bí, dầu ô liu, dầu hạt lanh…
Chất xơ có nhiều trong rau xanh, đậu lăng, đậu tây, yến mạch, lúa mạch, hạt lanh, quả mọng, các loại hạt. Tác dụng phụ của thuốc hóa trị cùng với chế độ sinh hoạt ít vận động khiến người bệnh thường gặp các vấn đề như táo bón, khó tiêu… Ăn thực phẩm nhiều chất xơ giúp giảm táo bón, ổn định đường huyết.
Vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa giúp người bệnh ngăn ngừa vi khuẩn, tăng cường hệ miễn dịch và giảm tác dụng phụ của các thuốc hóa trị. Người bệnh nên thêm rau xanh, các loại quả mọng như nho, dâu tây, hạt hướng dương, hạt hạnh nhân, cá hồi, cà chua… vào chế độ ăn.
Ngoài lựa chọn thực phẩm, bác sĩ Thanh khuyên người bệnh nên uống nhiều nước trong khoảng thời gian hóa trị để giảm tác dụng phụ mà hóa trị gây ra như mệt mỏi, buồn nôn, khô miệng, khó nuốt… Bên cạnh nước lọc, người bệnh có thể bổ sung nước từ canh, súp, sữa, nước ép rau củ và trái cây. Thường xuyên vận động khoảng 15-30 phút mỗi ngày tùy thể trạng, không nên gắng sức.
Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò thiết yếu và ảnh hưởng đến kết quả điều trị ung thư. Người bệnh nên trao đổi với bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng để được hướng dẫn chế độ dinh dưỡng phù hợp, từ đó tối ưu hiệu quả điều trị và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Theo: vnexpress.net
Ung thư hay các bệnh hiểm nghèo khác không phải là dấu chấm hết, nhưng với điều kiện là phát hiện sớm. Vì thế, các chuyên gia y tế khuyến khích người dân có chế độ ăn uống lành mạnh, thể dục thể thao hợp lý và gặp gỡ bác sĩ để được tư vấn danh mục khám định kỳ phù hợp dựa trên nhu cầu riêng, độ tuổi, giới tính, tiền sử gia đình, tiền sử bản thân, chế độ sinh hoạt, thói quen ăn uống, các vấn đề sức khỏe hiện tại.