Nhiều phụ nữ đã nhập viện với biến chứng nặng sau khi sử dụng dịch vụ nâng ngực không phẫu thuật.
Áp xe vú sau tiêm filler
Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 (BV 108, Hà Nội) mới đây tiếp nhận bệnh nhân (BN) nữ T.T.N (31 tuổi, ở Bắc Giang) vào viện do bị sưng tức ngực hai bên, sốt, đau đớn. Các bác sĩ (BS) phát hiện vùng ngực có nhiều ổ viêm mủ, bầu ngực căng đỏ, đa áp xe vú.
Theo chia sẻ của BN, khoảng 1 tháng trước nhập viện, xem quảng cáo trên mạng xã hội, BN đã quyết định sử dụng dịch vụ sóng xung kích làm tăng thể tích vú với chi phí 6 triệu đồng tại một cơ sở spa. Trong quá trình làm, BN được tư vấn sử dụng dịch vụ sóng xung kích cao cấp hơn với giá 20 triệu đồng, có thể trả sau và trả góp. Tiếp đó, BN bị bịt mắt, tiêm chất làm đầy không rõ loại, không rõ số lượng, và cấy chỉ vào ngực. Hôm sau, BN đau ngực, khó thở và nổi ban đỏ toàn thân, phải vào cấp cứu tại BV ở Bắc Giang. 3 ngày sau khi ra viện, BN quay lại spa rút chỉ, tiếp tục bị phát ban, đau ngực và lại vào BV ở địa phương. Lúc này BN được chỉ định dùng kháng sinh chống viêm kéo dài gần 1 tháng. Tuy nhiên, do vú trái vẫn đau kéo dài nên BN đến khám tại BV 108.
Tại đây, qua thăm khám và làm các xét nghiệm, BN được chỉ định phẫu thuật chích rạch vú trái, các BS đã hút ra 40 ml dịch vàng đục. Kết quả xét nghiệm phát hiện vi khuẩn tụ cầu vàng trong chất dịch này.
Nguy cơ tàn phá tuyến vú
Theo Th.S-BS Lưu Phương Lan (Khoa Phẫu thuật tạo hình và vi phẫu – BV 108), các chất tiêm vào BN này là sản phẩm không rõ có được Bộ Y tế hay FDA cấp phép, không rõ vị trí tiêm và không rõ lượng dung dịch đã tiêm nên phẫu thuật chỉ giải quyết được các khối dịch thể hiện trên kết quả chụp MRI và qua khám lâm sàng. Có thể vẫn còn những chất làm đầy trong nhu mô tuyến tiềm tàng dù hiện chưa gây viêm và hoại tử nhu mô tuyến. Do đó, BN vẫn còn các nguy cơ viêm tấy áp xe vú, viêm xơ tuyến vú về sau.
BS Lưu Phương Lan lưu ý đã có rất nhiều trường hợp viêm tấy áp xe tuyến vú sau tiêm chất lạ vào vú nhiều lần sau 5 năm, 10 năm, 20 năm, tàn phá nhu mô tuyến vú, phải phẫu thuật nhiều lần, thậm chí cắt toàn bộ nhu mô tuyến vú.
Theo BS Lan, thời gian gần đây, Khoa Phẫu thuật tạo hình và vi phẫu – BV 108 liên tục tiếp nhận nhiều trường hợp gặp biến chứng do tiêm filler qua những quảng cáo trên mạng xã hội như: tiêm sóng xung kích, tiêm mỡ tự thân… để tăng vòng 1 ở một số spa, cơ sở thẩm mỹ. Tuy nhiên, đây đều là những thông tin quảng cáo không được kiểm chứng.
BS Lan cho biết thêm, khi thực hiện nâng ngực tại một số cơ sở làm đẹp, quá trình vô trùng khi tiêm không đảm bảo hoặc tay nghề của người tiêm non yếu, dẫn đến hệ lụy là có một số trường hợp khi đến BV thì vùng ngực đã bị hoại tử nặng, phải cắt bỏ toàn bộ ngực để giữ tính mạng.
Do đó, để đảm bảo an toàn, trước khi thực hiện, các chị em cần tìm hiểu kỹ thông tin về phương pháp làm, cơ sở thực hiện, kinh nghiệm chuyên môn của BS phẫu thuật… Không nên thực hiện khi chỉ nghe quảng cáo sai sự thật của một số cơ sở làm đẹp không uy tín, người hành nghề không đúng chuyên môn được cấp phép. Nếu bạn đang gặp phải các sự cố trên, hoặc muốn thay đổi kích thước vòng 1 cũng như cải thiện những khuyết điểm vòng 1, cần đến cơ sở y tế uy tín để được tư vấn và thăm khám trực tiếp, BS Lan khuyến cáo.
Theo Sở Y tế Hà Nội, các kỹ thuật nâng ngực hiện áp dụng chỉ được thực hiện bởi BS đã có giấy phép hành nghề phẫu thuật thẩm mỹ, cơ sở đủ điều kiện hành nghề do Bộ Y tế, Sở Y tế cấp phép.
Ngày 9.6, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM cho biết đã niêm phong hồ sơ bệnh án của bệnh nhân (BN) T.T.L.P (50 tuổi, ngụ Q.7) để làm rõ vụ BN này bị tai biến phải cấp cứu khi hút mỡ. Đồng thời, Sở Y tế thành lập đoàn chuyên gia khảo sát kiểm tra mức độ an toàn phẫu thuật tại bệnh viện (BV) thẩm mỹ hút mỡ cho BN. Sở này kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế tại cơ sở thẩm mỹ này nếu có.
Theo Thanh tra Sở Y tế, ngày 7.6, đơn vị nhận được báo cáo của BV Chợ Rẫy về việc BN T.T.L.P đến cấp cứu sau phẫu thuật làm đẹp. Thân nhân BN P. cho biết lúc 7 giờ ngày 6.6, BN đến một phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ tại Q.10 và được phẫu thuật thẩm mỹ cắt mí mắt. Đến 10 giờ cùng ngày, BN tiếp tục được chuyển đến một BV thẩm mỹ trên địa bàn Q.5 để hút mỡ. Đến trưa, BN được phẫu thuật hút mỡ vùng bụng toàn phần, hút mỡ lưng với phương pháp gây mê nội khí quản. Sau đó BN tụt huyết áp và được ê kíp phẫu thuật tiến hành hồi sức cấp cứu rồi chuyển đến BV Chợ Rẫy trong tình trạng mê, bóp bóng qua nội khí quản, huyết áp không được, tay chân lạnh. Dẫn lưu ổ bụng từ tuyến trước khoảng 300 ml máu. BV đã hội chẩn và chỉ định mổ cấp cứu. Kết quả mổ ghi nhận tình trạng xuất huyết trong ổ bụng do rách mạch máu mạc nối lớn, BN mất đến 6 lít máu và được truyền bù. Sau mổ BN được theo dõi và chăm sóc tích cực tại Khoa Hồi sức cấp cứu. Hiện tình trạng bệnh nhân tỉnh táo, tiếp xúc tốt, sinh hiệu ổn…
Duy Tính
Filler được khuyến cáo không tiêm vào ngực
TS-BS Phạm Ngọc Minh (Khoa Phẫu thuật tạo hình và vi phẫu – BV 108) cho biết trên thực tế chưa có phương pháp nâng ngực nào mà không phải phẫu thuật. Ngay cả với các chất được cấp phép sử dụng như filler (chất làm đầy) cũng được khuyến cáo không nên tiêm vào ngực. Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) khuyến cáo không tiêm filler vào ngực, mông hoặc khoảng trống giữa các cơ để tạo đường nét hoặc cải thiện cơ thể trên quy mô lớn. Bởi điều này dễ dẫn đến các tổn thương nghiêm trọng, bao gồm tình trạng đau kéo dài, để lại sẹo, nhiễm trùng, biến dạng vĩnh viễn, thậm chí tử vong.
BS Minh chia sẻ, làm đẹp là nhu cầu rất chính đáng nhưng cần có hiểu biết cơ bản về các phương pháp. Nếu chọn nâng ngực bằng chất liệu túi độn thì túi ngực phải được cấp phép bởi Bộ Y tế. Trường hợp nâng ngực bằng mỡ tự thân thì cần được tư vấn và tiến hành bởi các BS chuyên khoa và BV uy tín, nhằm tránh các biến chứng nguy hiểm.
Theo: thanhnien.vn