Nguyên nhân gây viêm tuyến giáp Hashimoto

Viêm tuyến giáp Hashimoto là loại viêm tuyến giáp phổ biến nhất. Đây là bệnh tự miễn, do rối loạn hệ miễn dịch gây ra ảnh hưởng đến tuyến giáp. Hầu hết những người mắc Hashimoto đều cần được điều trị. Tuy nhiên, nếu chức năng tuyến giáp đang hoạt động bình thường, bác sĩ có thể theo dõi định kì mà chưa kê đơn thuốc.

Nguyên nhân gây viêm tuyến giáp Hashimoto

Viêm tuyến giáp Hashimoto là bệnh tự miễn, nên nguyên nhân thực sự gây ra bệnh chưa rõ ràng, nhưng có nhiều yếu tố tham gia vào cơ chế bệnh sinh.

Có giả thiết cho rằng yếu tố hormon tham gia vào quá trình sinh bệnh vì phụ nữ mắc bệnh nhiều hơn nam giới. Cuối cùng, yếu tố di truyền cũng tham gia cơ chế bệnh sinh, gia đình có người mắc bệnh tự miễn hoặc bệnh về tuyến giáp, thế hệ sau sẽ dễ mắc bệnh hơn.

Với bất kể nguyên nhân gì, trong bệnh Hashimoto hệ thống miễn dịch coi tuyến giáp là bất thường, và sản sinh ra kháng thể chống lại tuyến giáp. Một số lượng lớn tế bào lympho và bạch cầu sinh kháng thể. Những kháng thể này chống lại tuyến giáp, cụ thể hơn là kháng thể kháng kháng peroxidase và kháng thể kháng thyroglobulin.

Nguyên nhân gây viêm tuyến giáp Hashimoto- Ảnh 1.

Hình ảnh viêm tuyến giáp

Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm giáp Hashimoto là

– Giới tính: Phụ nữ dễ mắc bệnh hơn, tỉ lệ phụ nữ mắc viêm giáp Hashimoto cao gấp 7 lần so với nam giới. Nguyên nhân có thể liên quan đến việc thay đổi hormone nội tiết qua quá trình dậy thì, sinh nở.

– Thai kì: Đối với phụ nữ mang thai việc thay đổi hormone trong thai kì là một trong những yếu tố khởi phát bệnh lý.

– Yếu tố di truyền: Di truyền là yếu tố khiến dễ mắc bệnh viêm giáp Hashimoto, những đối tượng có người thân mắc các bệnh lý tuyến giáp, đặc biệt là viêm giáp Hashimoto có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

Ngoài ra, yếu tố stress, tiếp xúc với bức xạ và những người có các bệnh lý tự miễn khác: đái tháo đường, lupus,…cũng dễ mắc viêm giáp Hashimoto.

Triệu chứng của viêm tuyến giáp Hashimoto

Các dấu hiệu cho thấy bất thường chức năng tuyến giáp bao gồm:

– Táo bón.

– Da khô, nhợt nhạt.

– Sợ lạnh, không chịu được lạnh.

– Rụng tóc.

– Rối loạn kinh nguyệt.

– Vô sinh, hiếm muộn.

Đa số có thể mắc viêm giáp Hashimoto trong nhiều năm trước khi có bất kỳ triệu chứng nào. Bệnh có thể tiến triển âm thầm trong một thời gian dài trước khi gây ra những tổn thương tuyến giáp đáng chú ý. Khi nghi ngờ, các bác sĩ kiểm tra tuyến giáp. Siêu âm tuyến giáp có thể được thực hiện nếu bác sĩ khám tuyến giáp cảm thấy có bướu (nhân).

Bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm đo nồng độ trong máu của hormone tuyến giáp thyroxine (T4) (và triiodothyronine (T3) nếu nghi ngờ cường giáp) và hormone kích thích tuyến giáp (TSH, một loại hormone do tuyến yên sản xuất để kích thích tuyến giáp sản xuất hormone tuyến giáp) để xác định tuyến đang hoạt động như thế nào ( xét nghiệm chức năng tuyến giáp ).

Nguyên nhân gây viêm tuyến giáp Hashimoto- Ảnh 2.

Phụ nữ dễ mắc bệnh hơn, tỉ lệ phụ nữ mắc viêm giáp Hashimoto cao gấp 7 lần so với nam giới.

Điều trị viêm tuyến giáp Hashimoto

Thường thay thế hormone tuyến giáp khi bệnh nhân suy giáp trên lâm sàng và nồng độ TSH tăng cao trong máu. Tránh dư thừa iốt trong thực phẩm hoặc chất bổ sung dinh dưỡng.

Phẫu thuật tuyến giáp đóng vai trò nhất định trong bệnh viêm tuyến giáp Hashimoto. Tuy nhiên, điều trị nội khoa cần được ưu tiên trước khi quyết định phẫu thuật.

Phẫu thuật tuyến giáp sẽ được cân nhắc trong các trường hợp: Viêm tuyến giáp có triệu chứng; Tuyến giáp kích thước lớn gây triệu chứng lâm sàng; Có nhân tuyến giáp và chọc hút kim nhỏ nghi ngờ ung thư; Tình trạng viêm nghiêm trọng không đáp ứng với điều trị thuốc gây ra đau nhức ở cổ hoặc các vùng lân cận. Tình trạng này hiếm khi xảy ra.

Tóm lại: Viêm tuyến giáp Hashimoto là bệnh thường gặp, hầu hết các người bệnh viêm tuyến giáp mạn tính Hashimoto đều không có triệu chứng rõ ràng. Do đó khi thấy có dấu hiệu nghi ngờ như: Tóc rụng nhiều; Da và niêm mạc khô, nhợt nhạt, nhăn nheo, móng tay yếu, dễ gãy; Hay bị mất tập trung, trí nhớ giảm, nhiều khi có cảm giác đau đầu; Tăng cân một cách bất thường, khó kiểm soát mà không rõ nguyên nhân… cần tới cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn cụ thể.

Theo: suckhoedoisong.vn

Ung thư hay các bệnh hiểm nghèo khác không phải là dấu chấm hết, nhưng với điều kiện là phát hiện sớm. Vì thế, các chuyên gia y tế khuyến khích người dân có chế độ ăn uống lành mạnh, thể dục thể thao hợp lý và gặp gỡ bác sĩ để được tư vấn danh mục khám định kỳ phù hợp dựa trên nhu cầu riêng, độ tuổi, giới tính, tiền sử gia đình, tiền sử bản thân, chế độ sinh hoạt, thói quen ăn uống, các vấn đề sức khỏe hiện tại.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *