Những lưu ý sau khi mổ tuyến giáp

Người bệnh sau khi mổ tuyến giáp nên kiểm tra nồng độ canxi máu, hormone tuyến giáp, hạn chế vận động mạnh và theo dõi biến chứng.

Phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp là phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ hoặc một phần tuyến giáp (cơ quan có hình con bướm ở cổ), thường áp dụng để điều trị ung thư tuyến giáp.

Một số trường hợp phẫu thuật tuyến giáp như nhân tuyến giáp lành tính gây sản xuất quá nhiều hormone tuyến giáp (cường giáp); bướu cổ (phì đại tuyến giáp) chèn ép dây thanh quản hoặc thực quản ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống; bệnh cường giáp không đáp ứng với điều trị thuốc đơn thuần.

BS.CKI Võ Trần Nguyên Duy, khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, lưu ý người bệnh sau mổ tuyến giáp những điều dưới đây nhằm bảo vệ sức khỏe, tránh biến chứng.

Xét nghiệm canxi máu: Hạ canxi máu là biến chứng nặng sau phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp, xảy ra do suy tuyến cận giáp thứ phát sau tổn thương một hay nhiều mạch máu của tuyến cận giáp trong quá trình phẫu thuật. Tình trạng này ít khi xảy ra nhưng người bệnh nên kiểm tra nồng độ canxi máu nhằm tránh các biến cố sau mổ, đồng thời tầm soát nguy cơ suy tuyến cận giáp và có phương pháp điều trị kịp thời.

Suy giáp: Sau phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp, người bệnh thiếu hormone tuyến giáp dẫn đến suy giáp vĩnh viễn và cần bù hormone giáp cả đời, liều lượng bù hormone giáp ở mỗi người bệnh khác nhau. Người bệnh cần khám và có phác đồ sử dụng homrone tuyến giáp phù hợp.

Một số trường hợp cắt bỏ một phần tuyến giáp và phần còn lại vẫn có thể sản xuất hormone giáp. Tuy nhiên, nguy cơ suy giáp vẫn có thể xảy ra. Khám sức khỏe tuyến giáp thường xuyên sau mổ giúp tầm soát khả năng suy giáp, từ đó người bệnh có hướng điều trị sớm.

Vận động: Trong thời gian bình phục và chăm sóc vết mổ tại nhà, người bệnh không nên hoạt động thể chất cường độ cao 1-2 tuần nhằm giảm nguy cơ tụ máu ở cổ (cục máu đông) làm rách vết khâu vùng mổ. Người bệnh cũng tránh khiêng vác đồ nặng, hoạt động sử dụng lực của cổ nhiều.

Bác sĩ Nguyên Duy khám cho người bệnh. Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Bác sĩ Nguyên Duy khám cho người bệnh. Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Theo dõi biến chứng hay bất thường sau mổ: Người bệnh có thể thông báo với bác sĩ và có phương pháp điều trị sớm. Các biến chứng sau phẫu thuật tuyến giáp như chảy máu, chấn thương dây thanh quản gây khàn tiếng tạm thời hoặc vĩnh viễn. Trường hợp người bệnh chăm sóc vết thương tại nhà nếu vết thương hở, viêm, sưng đỏ, tê hoặc ngứa ran ở mặt, tay hoặc môi cần đến bác sĩ điều trị sớm.

Kiểm tra sức khỏe định kỳ: Người bệnh sau khi cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp hoặc bán phần đều cần khám sức khỏe tuyến giáp định kỳ để kiểm tra chức năng của phần tuyến giáp còn lại. Bác sĩ có thể điều chỉnh liều lượng thuốc hormone tuyến giáp phù hợp với người bệnh.

Người bệnh có chỉ định phẫu thuật tuyến giáp nên chọn cơ sở y tế đầy đủ trang thiết bị, hiện đại, có chuyên khoa Nội tiết để bác sĩ đánh giá sức khỏe, mổ an toàn và hướng dẫn chăm sóc phù hợp, sớm phục hồi.

Theo: vnexpress.net

Ung thư hay các bệnh hiểm nghèo khác không phải là dấu chấm hết, nhưng với điều kiện là phát hiện sớm. Vì thế, các chuyên gia y tế khuyến khích người dân có chế độ ăn uống lành mạnh, thể dục thể thao hợp lý và gặp gỡ bác sĩ để được tư vấn danh mục khám định kỳ phù hợp dựa trên nhu cầu riêng, độ tuổi, giới tính, tiền sử gia đình, tiền sử bản thân, chế độ sinh hoạt, thói quen ăn uống, các vấn đề sức khỏe hiện tại.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *