TP.HCM: Cụ ông tăng huyết áp, khám sức khỏe định kỳ phát hiện ung thư

Ông Đ.T.T (70 tuổi, ngụ TP.HCM), có bệnh nền tăng huyết áp. Trong lần đi khám sức khỏe định kỳ gần đây, chỉ số xét nghiệm máu PSA cao bất thường, bác sĩ phát hiện ông mắc ung thư tuyến tiền liệt.

Bệnh nhân T. cho biết, khoảng 1 tháng nay, ông hay đi tiểu 2-3 lần mỗi đêm, nghĩ do tuổi già nên không chú ý. Trong lần khám sức khỏe định kỳ gần đây, chỉ số PSA trong máu cao 16ng/mL.

Ngày 24.7, PGS.TS.BS Vũ Lê Chuyên, Giám đốc Trung tâm Tiết niệu – Thận học – Nam khoa, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP.HCM, cho biết chỉ số bình thường của PSA trong máu dao động từ 0 – 4 ng/ml. Nếu nồng độ của PSA trong máu tăng, người bệnh có thể bị ung thư tuyến tiền liệt. PSA là 1 loại protein được sản xuất bởi cả mô ung thư và mô lành trong tuyến tiền liệt. Do đó, xét nghiệm PSA là xét nghiệm máu định lượng nồng độ kháng nguyên đặc hiệu của tuyến tiền liệt dùng để tầm soát, chẩn đoán và theo dõi điều trị ung thư tuyến tiền liệt.

Cụ ông được phát hiện mắc ung thư từ kết xét nghiệm máu - Ảnh 1.

Bác sĩ Chuyên cùng ê kíp thực hiện mổ nội soi cắt toàn bộ tuyến tiền liệt cho người bệnh. ANH THƯ

Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp như tuyến tiền liệt tăng sinh lành tính hoặc viêm nhiễm cũng có thể làm tăng nồng độ PSA. Do đó, để khẳng định người bệnh bị ung thư tuyến tiền liệt cần thực hiện thêm các biện pháp kiểm tra khác.

Người bệnh được thăm khám tuyến tiền liệt qua trực tràng, sinh thiết khối u và chụp ảnh cộng hưởng từ MRI, xác định ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn 1. Kết quả ghi nhận các tế bào ung thư vẫn khu trú ở tuyến tiền liệt, kích thước của cơ quan này bình thường.

“Cụ ông được chẩn đoán mắc ung thư tuyến tiền liệt, may mắn bệnh được phát hiện ở giai đoạn sớm dù triệu chứng chưa rõ ràng. Với ung thư tuyến tiền liệt, còn phẫu thuật là còn khả năng trị khỏi”, bác sĩ Chuyên chia sẻ.

Ông T. được chỉ định nội soi cắt bỏ toàn bộ tuyến tiền liệt. Theo PGS Vũ Lê Chuyên, đây là phương án điều trị tốt nhất cho người bị ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn 1. Ca phẫu thuật đã giải quyết được triệt để khối u, người bệnh không cần xạ trị hay hóa trị nhưng duy trì tái khám mỗi 3 tháng. Sau mổ hai ngày, sức khỏe người bệnh ổn định, dự kiến xuất viện trong vài ngày tới.

Theo: thanhnien.vn

Ung thư hay các bệnh hiểm nghèo khác không phải là dấu chấm hết, nhưng với điều kiện là phát hiện sớm. Vì thế, các chuyên gia y tế khuyến khích người dân có chế độ ăn uống lành mạnh, thể dục thể thao hợp lý và gặp gỡ bác sĩ để được tư vấn danh mục khám định kỳ phù hợp dựa trên nhu cầu riêng, độ tuổi, giới tính, tiền sử gia đình, tiền sử bản thân, chế độ sinh hoạt, thói quen ăn uống, các vấn đề sức khỏe hiện tại.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *