Tranh cãi nguy cơ gây ung thư của chất tạo ngọt

Aspartame, chất tạo ngọt phổ biến trong đồ uống ăn kiêng, được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng có thể gây ung thư, trong khi nhiều chuyên gia phản đối.

Hôm 1/7, IARC – Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế của WHO, nhận định chất tạo ngọt aspartame trong các loại nước ngọt ăn kiêng và kẹo cao su có thể gây ung thư. Động thái này có tác động lớn tới ngành công nghiệp chế biến thực phẩm.

Tuy nhiên, vào giữa tháng này, IARC mới đưa ra kết luận cuối cùng về việc liệu có liệt aspartame vào danh sách chất gây ung thư cho con người không. JECFA, Ủy ban chuyên gia của WHO về phụ gia thực phẩm, cũng sẽ đưa ra lời khuyên về việc tiêu thụ bao nhiêu aspartame là an toàn.

Kể từ năm 1981, JECFA cho biết aspartame an toàn trong giới hạn tiêu thụ hàng ngày. Ví dụ, một người trưởng thành nặng 60 kg uống từ 12 đến 36 lon nước ngọt ăn kiêng mỗi ngày mới có nguy cơ mắc bệnh. Quan điểm đó đã được các cơ quan quản lý quốc gia, ở cả Mỹ và châu Âu chia sẻ rộng rãi.

Tuy nhiên, nghiên cứu năm 2022 của Viện Ung thư Quốc gia Mỹ trên gần 103.000 người trưởng thành, cho thấy người tiêu thụ lượng aspartame cao có nguy cơ mắc ung thư cao hơn khoảng 1,15 lần, đặc biệt là ung thư vú và các bệnh ung thư liên quan béo phì.

Các loại nước ngọt ăn kiêng phổ biến thường chứa aspartame. Ảnh: Freepik

Các loại nước ngọt ăn kiêng phổ biến thường chứa aspartame. Ảnh: Freepik

Nghiên cứu này lấy tiền đề từ một phân tích của Viện Ramazzini ở Italy vào đầu những năm 2000, cho thấy chuột nhắt và chuột cống có thể bị ung thư nếu ăn aspartame. Tuy nhiên, các nhà khoa học không thể chứng minh aspartame làm tăng nguy cơ ung thư ở người. Cơ quan An toàn Thực phẩm châu Âu (EFSA) cũng nghi ngờ tính chính xác của dữ liệu.

Hiện EFSA và Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) chưa đưa ra ý kiến về vấn đề này. FDA vẫn khẳng định aspartame là chất tạo ngọt an toàn.

Giáo sư Lawrence Young, bác sĩ chuyên khoa ung thư tại Đại học Warwick, Anh, cho rằng mối liên hệ giữa việc tiêu thụ aspartame với ung thư còn gây nhiều tranh cãi. Dù vậy, ông Lawrence cho rằng sự việc này cảnh báo mọi người không nên nạp vào cơ thể quá nhiều chất tạo ngọt nhân tạo, nhất là khi đồ ăn nhanh và thực phẩm chế biến sẵn đang ngày càng phổ biến vì giá thành và mức độ tiện lợi.

Các phán quyết của IARC thường để lại tác động rất lớn. Vào năm 2015, ủy ban kết luận glyphosate “có thể gây ung thư”. Nhiều năm sau, ngay cả khi EFSA phản đối điều này, song ảnh hưởng đến các công ty dược phẩm vẫn nghiêm trọng.

Các quyết định của IARC cũng từng vấp phải sự chỉ trích vì đã gây ra cảnh báo không cần thiết về chất phụ gia thực phẩm. Cơ quan có 4 mức độ phân loại khác nhau, gồm chất gây ung thư, chất khả năng cao gây ung thư, chất có thể gây ung thư và chất không gây ung thư. Phụ gia được xếp vào nhóm này dựa trên bằng chứng về mặt thử nghiệm, thay vì độ nguy hiểm của chúng đối với con người.

Người phát ngôn của IARC cho biết kết quả nghiên cứu của cả IARC và JECFA đều được giữ bí mật đến tháng 7. Ủy ban phụ gia sẽ đánh giá rủi ro, xác định khả năng xảy ra những tác hại cụ thể, ví dụ ung thư ở điều kiện và mức phơi nhiễm nhất định.

Tuy nhiên, ngành công nghiệp và các cơ quan quản lý lo ngại việc tổ chức cả hai quy trình cùng một lúc có thể gây nhầm lẫn. Trong bức thư gửi phó giám đốc WHO ngày 27/3, Nozomi Tomita, một quan chức của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, đề nghị cả hai cơ quan nỗ lực phối hợp đánh giá aspartame, tránh bất kỳ sự nhầm lẫn hoặc lo ngại không đáng có nào trong công chúng. Bức thư cũng kêu gọi hai cơ quan đưa ra kết luận trong cùng một ngày.

Theo: vnexpress.net

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *