Tư thế yoga cho người ung thư vú

Tập yoga có thể giảm mức độ của một số hormone như insulin và estrogen liên quan đến sự phát triển của ung thư vú.

Theo Viện Ung thư Quốc gia Mỹ, yoga là một trong những bộ môn góp phần làm chậm sự tiến triển của ung thư vú vì làm giảm mức độ của một số hormone. Tập yoga giúp giảm mệt mỏi, cải thiện thể chất và chất lượng giấc ngủ, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống. Người bệnh ung thư vú nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để có chế độ tập luyện phù hợp và dưới đây là một số gợi ý.

Tư thế con bò và con mèo

Tư thế con bò và con mèo giúp duỗi cơ cột sống, cơ bụng, cơ hông, cổ và lưng. Bắt đầu tư thế này, chống hai tay và đầu gối xuống sàn. Giữ cho vai thẳng với cổ tay, phần hông thẳng với đầu gối. Khi hít vào, giữ cho phần bụng thả lỏng hướng xuống sàn, ưỡn ngực và ngẩng đầu lên (tư thế con bò). Khi thở ra, hạ trọng lực vào tay và nâng lưng lên, hóp bọng, đầu cúi xuống (tư thế con mèo). Lặp lại động tác 10 lần.

Động tác này giúp tăng cường sức mạnh cho lưng dưới, giảm đau hông và tăng khả năng vận động của cột sống cũng như lưu thông dịch não tủy. Người bệnh có thể giảm đau và áp lực cho lưng và cột sống.

Tư thế con cá

Tư thế này tác động đến ngực, xương sườn, phổi và lưng trên, có tác dụng kích thích dẫn lưu bạch huyết ở ngực, đồng thời có thể làm giảm mô sẹo hình thành trong vú.

Ngồi thẳng lưng và đưa hai chân ra trước mặt, khép chặt chân, các khớp ngón chân chạm vào nhau, gót chân hơi tách ra. Từ từ ngả người ra sau, lưng để chăn hoặc đệm dài đỡ cột sống (có thể sử dụng tay để hỗ trợ khi hạ người xuống).

Khi nằm xuống, tựa đầu hoàn toàn vào tấm thảm, để hai tay đặt trên mặt đất song song với người, lòng bàn tay úp xuống. Sau đó từ từ nâng ngực và vai lên, đầu, thân dưới và khuỷu tay chạm sàn tạo lực, hít thở sâu, chân vẫn duỗi thẳng. Bạn có thể giữ nguyên tư thế này trong tối đa 10 phút, rồi ngồi dậy.

Tư thế con cá trong yoga. Ảnh: Freepik

Tư thế con cá trong yoga. Ảnh: Freepik

Ngồi gập người

Động tác gập người sang một bên này có tác dụng giãn cơ bụng, cải thiện tính linh hoạt của cột sống. Kéo dài các cơ này giúp giảm căng thẳng cơ cổ và vai, đồng thời tăng chuyển động ở xương sườn.

Ngồi bắt chéo khoanh chân ở giữa thảm tập, tay trái đưa lên song song với sàn, ngang bằng vai. Tay phải nâng lên cao dọc theo đầu. Hít vào thật sâu để cảm nhận phổi đầy không khí và cột sống đang giãn ra. Khi thở ra, tay trái hạ thấp xuống sàn, nhẹ nhàng vặn cột sống sang trái, cánh tay phải nghiêng về bên trái. Nếu cột sống khỏe ở bên uốn cong, bạn có thể đưa tay trái ra xa hơn, cho đến khi toàn bộ cẳng tay nằm phẳng trên mặt đất để cột sống, tay duỗi nhiều hơn. Giữ tư thế ít nhất 3 lần hít thở sâu, xoay vai phải lên, nhẹ nhàng trở lại ngồi và đổi bên. Thực hiện động tác này ít nhất 3 lần mỗi bên.

Thở bằng bụng

Tư thế này còn gọi là pranayama giúp củng cố cơ hoành, giảm nhu cầu oxy và giúp phổi hoạt động dễ dàng hơn, có lợi để thực hành trong và sau khi điều trị ung thư vú. Hít thở sâu cũng giúp bạn bình tĩnh hơn.

Nằm ngửa, đỡ đầu bằng một chiếc gối nhỏ và đầu gối bằng một chiếc đệm nhỏ. Đặt tay lên bụng, hít thở chậm, sâu và khi thở ra bụng phải phình ra. Điều này quan trọng vì giúp vận động cơ hoành và làm căng phổi. Giữ hít vào lâu và thở ra nhẹ nhàng và đều (không thở ra đột ngột). Thời gian thở ra bằng thời gian hít vào. Lặp lại 4-6 lần mỗi ngày.

Theo: vnexpress.net

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *