Ung thư phổi có chữa khỏi?

Ung thư phổi nếu phát hiện sớm (giai đoạn I), điều trị đúng, tỷ lệ khỏi bệnh, cơ hội sống 5 năm không tái phát lên đến 90%.

TS.BS Vũ Hữu Khiêm, Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết tiên lượng bệnh ung thư phổi phụ thuộc vào loại mô bệnh, giai đoạn, tình trạng biểu lộ gen… Hiện, y học phát triển nên tỷ lệ phát hiện sớm và khỏi bệnh, giảm nguy cơ tái phát trở lại.

Theo Cleveland, những người được chẩn đoán ung thư phổi ở giai đoạn khu trú vẫn có cơ hội điều trị. Tuy nhiên hầu hết mọi người phát hiện bệnh khi tế bào ung thư đã di căn. Điều này giải thích tại sao bệnh có tỷ lệ sống sót thấp. Cụ thể, với giai đoạn IV, sau 2 năm chẩn đoán tỷ lệ sống sót là 10-20%, sau 5 năm tỷ lệ này giảm xuống còn 5-10%.

Ung thư phổi giai đoạn muộn có thể không chữa khỏi nhưng một số phương pháp điều trị sẽ giúp kiểm soát sự phát triển nhân lên nhanh chóng của tế bào ác tính. Bệnh nhân sẽ có thêm cơ hội sống.

Tiến sĩ Khiêm thông tin, sau khi chẩn đoán ung thư phổi, các xét nghiệm khác sẽ được thực hiện để xác định tình trạng đột biến gen, đã di căn hay chưa, từ đó có phương pháp điều trị phù hợp.

Phương pháp phẫu thuật: Có thể áp dụng cho bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ (NSCLC) giai đoạn 1, 2, 3A; tỷ lệ sống sót sau 5 năm là 77% đối với người bệnh giai đoạn 1A (loại xâm lấn ít nhất với khối u có kích thước không quá 3 cm) và 23% đối với những người có khối u giai đoạn 3A. Ở giai đoạn 2B và giai đoạn 3, các khối u di căn đến các hạch bạch huyết, phẫu thuật có thể loại bỏ hoàn toàn hoặc một phần hạch bạch huyết. Tỷ lệ sống sót sau 5 năm là khoảng 74% và 63% khi chưa loại bỏ hoàn toàn hạch này, theo Verywellhealth.

Khám sàng lọc có thể phát hiện sớm ung thư phổi. Nguồn: BVĐK Tâm Anh

Khám sàng lọc có thể phát hiện sớm ung thư phổi. Nguồn: BVĐK Tâm Anh

Phương pháp hóa trị liệu: Điều trị toàn thân, sử dụng các loại thuốc đặc hiệu giúp thu nhỏ hoặc tiêu diệt tế bào ung thư. Liệu pháp hóa trị bổ trợ kết hợp phẫu thuật, tỷ lệ sống sót của bệnh nhân sau 5 năm là 60%.

Xạ trị: Phương pháp sử dụng tia năng lượng cao (tương tự như tia X, tia Proton…) tiêu diệt tế bào ung thư, giúp giảm nguy cơ tái phát, giúp kéo dài tuổi thọ hoặc giảm triệu chứng như đau xương hoặc tắc nghẽn đường thở. Theo Thư viện Y khoa Mỹ, 25% bệnh nhân bị ung thư phổi sống sót sau 5 năm xạ trị.

Liệu pháp nhắm trúng đích: Phương pháp sử dụng thuốc đích phân tử đặc hiệu để chống lại các loại tế bào ung thư. Hiện có 3 thế hệ thuốc nhắm trúng đích, có thể sử dụng điều trị trong ung thư phổi giai đoạn muộn. Chúng được sử dụng đơn độc hoặc phối hợp với phẫu thuật, hóa chất, kháng thể đơn dòng.

Liệu pháp miễn dịch: Liệu pháp tăng tỷ lệ kiểm soát bệnh, kéo dài thời gian sống cho người bệnh.

Điều trị di căn: Đây là cách có thể cải thiện khả năng sống sót cho một số người bị ung thư phổi giai đoạn 4. Theo nghiên cứu từ Đại học Washington Mỹ, dù hiếm nhưng đã có hơn 10 bệnh nhân bị ung thư phổi di căn não sống sót sau 10 năm điều trị. Thực tế lâm sàng, tiến sĩ Khiêm đã điều trị cho một trường hợp ung thư phổi di căn não sống 13 năm.

Tiến sĩ Khiêm khuyến cáo, ung thư phổi khó phát hiện. Khám sàng lọc có thể phát hiện sớm tế bào ung thư, nâng cao hiệu quả điều trị. Tầm soát ung thư phổi được khuyến nghị cho đối tượng từ 50-80 tuổi, đang hút hoặc có tiền sử hút thuốc, mắc các bệnh về phổi (như COPD, lao) hoặc mắc một bệnh ung thư khác, tiền sử gia đình có người bị ung thư phổi.

Ung thư phổi là căn bệnh nguy hiểm hàng đầu, tỷ lệ tử vong cao, với hơn 2 triệu người mắc mới và hơn một triệu người tử vong mỗi năm. Tại Việt Nam ung thư phổi là một trong những loại ung thư phổ biến với hơn 26.000 ca mắc mới và gần 24.000 ca tử vong mỗi năm, theo Tổ chức ung thư toàn cầu (Globocan).

Theo: vnexpress.net

Ung thư hay các bệnh hiểm nghèo khác không phải là dấu chấm hết, nhưng với điều kiện là phát hiện sớm. Vì thế, các chuyên gia y tế khuyến khích người dân có chế độ ăn uống lành mạnh, thể dục thể thao hợp lý và gặp gỡ bác sĩ để được tư vấn danh mục khám định kỳ phù hợp dựa trên nhu cầu riêng, độ tuổi, giới tính, tiền sử gia đình, tiền sử bản thân, chế độ sinh hoạt, thói quen ăn uống, các vấn đề sức khỏe hiện tại.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *