Vaccine mới giúp bệnh nhân ung thư vú sống khỏe mạnh

Các nghiên cứu lâm sàng cho thấy loại vaccine ung thư vú mới có thể giúp phụ nữ thuyên giảm bệnh và kéo dài sự sống trên 5 năm.

Nghiên cứu được thực hiện trên 15 phụ nữ mắc ung thư vú bộ ba âm tính, một dạng ung thư có khả năng lây lan nhanh chóng lên các phần khác của cơ thể, khiến tỷ lệ sống của bệnh nhân chỉ còn khoảng 12% sau 5 năm.

Vaccine được thử nghiệm tại Phòng khám Cleveland ở Ohio. Theo thống kê, nếu không sử dụng vaccine, khoảng 40% phụ nữ sẽ tái phát bệnh ung thư trong vòng 5 năm. Tiến sĩ Thaddeus Stappenbeck, Chủ tịch khoa viêm nhiễm và miễn dịch tại Phòng khám Cleveland, cho rằng kết quả này là đáng khích lệ.

Vaccine gồm ba liều, cách nhau hai tuần, nhắm vào α-lactalbumin, một loại protein tiết sữa. Protein này biến mất sau khi quá trình cho con bú kết thúc, các mô bắt đầu lão hóa. Tuy nhiên, nó xuất hiện trong phần lớn ca ung thư vú bộ ba âm tính.

Đối với những người đã có khối u phát triển, vaccine được thiết kế để thúc đẩy hệ miễn dịch tấn công khối u, ngăn không cho nó lây lan thêm. Theo tiến sĩ Amit Kumar, Giám đốc điều hành của Anixa Bioscatics, nếu hệ miễn dịch được vaccine đào tạo, nó sẽ tiêu diệt tế bào ung thư ngay khi sinh ra, khiến chúng không có cơ hội nhân lên thành khối u.

Theo tiến sĩ Stappenbeck, với cơ chế hoạt động này, các nhà khoa học có thể thay đổi mục tiêu protein của vaccine để điều trị các dạng ung thư khác, miễn protein không xuất hiện trong các mô khỏe mạnh, mà tồn tại ở dạng khối u. Ông cho biết nhiều chuyên gia khác đã từng bước thành công điều chế vaccine ung thư buồng trứng bằng phương pháp này.

Vaccine là kết quả hơn 20 năm nghiên cứu của tiến sĩ Tuohy, một nhà khoa học hàng đầu tại Viện Nghiên cứu Ung thư của Phòng khám Cleveland.

Jennifer Davis, một y tá 46 tuổi, là một trong những người đầu tiên được tiêm vaccine ung thư vú. Ảnh: Jennifer Davis

Jennifer Davis, một y tá 46 tuổi, là một trong những người đầu tiên được tiêm vaccine ung thư vú. Ảnh: Jennifer Davis

Jennifer Davis, một y tá 46 tuổi, sống tại Lisbon, Ohio là một trong những người đầu tiên được điều trị ung thư bằng loại vaccine này. Bà phát hiện khối u vú lần đầu vào tháng 2/2018. Khối u sau đó tiến triển thành ung thư vú bộ ba âm tính giai đoạn 2, nghĩa là ung thư chưa lan sang các bộ phận khác trên cơ thể. Vì vậy, bà phải hóa trị, phẫu thuật cắt bỏ hai bên vú và xạ trị 26 đợt. Liệu trình điều trị đi kèm với hàng loạt tác dụng phụ nghiêm trọng, bà bị sụt 7 cân trong ba ngày, rụng hết móng tay, móng chân.

Dù bệnh đã thuyên giảm, bà vẫn quyết định đăng ký chương trình thử nghiệm lâm sàng của Phòng khám Cleveland và được tiêm ba liều vaccine vào tháng 10, tháng 11/2021. “Cảm giác giống tiêm phòng cúm, không có tác dụng phụ nào ngoài nổi u ở vùng đã tiêm”, bà nói.

Ngoài bà Davis, 14 phụ nữ khác tham gia thử nghiệm cũng không tái phát ung thư sau 5 năm, hiện sống khỏe mạnh. Kết quả khiến các chuyên gia và bác sĩ lâm sàng tự tin vào một chiến thắng thầm lặng đối với căn bệnh ung thư vú.

Giai đoạn tiếp theo của thử nghiệm sẽ do Bộ Quốc phòng Mỹ tài trợ. Các nhà khoa học tiếp tục tuyển dụng tình nguyện viên nữ chưa từng mắc ung thư vú bộ ba âm tính, nhưng có nguy cơ cao phát triển bệnh do các yếu tố di truyền. Họ sẽ được phẫu thuật cắt bỏ vú tự nguyện để phòng bệnh và tiêm vaccine trước ca phẫu thuật.

“Sau ca phẫu thuật, chúng tôi sẽ có lượng lớn mô vú bị cắt bỏ để nghiên cứu liệu tế bào miễn dịch từ vaccine có đang giám sát tế bào ung thư hay không”, tiến sĩ Kumar nói.

Ung thư vú bộ ba âm tính chiếm khoảng 10-15% số ca ung thư vú, nhưng đây là một trong những bệnh khó điều trị nhất.

Theo: vnexpress.net

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *