Viêm dạ dày là các biểu hiện tổn thương bao gồm viêm niêm mạc dạ dày. Phản ứng viêm trong viêm dạ dày cấp thường do cùng một loại vi khuẩn gây viêm loét dạ dày. Viêm dạ dày có tăng nguy cơ gây ung thư không?
Nguyên nhân gây viêm dạ dày
Việc sử dụng một số thuốc giảm đau hay uống nhiều rượu cũng là yếu tố góp phần gây viêm dạ dày. Viêm dạ dày có thể xuất hiện đột ngột gọi là viêm cấp hay xuất hiện trong một thời gian gọi là viêm dạ dày mạn tính.
Theo TS.BS Dương Trọng Hiền, Trưởng khoa Phẫu thuật Cấp cứu Tiêu hóa, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, trong một số trường hợp viêm dạ dày dẫn tới loét và là yếu tố tăng nguy cơ ung thư. Với phần lớn người bệnh viêm dạ dày thường không nghiêm trọng và có thể khỏi nhanh chóng khi điều trị. Cũng theo BS Hiền, các yếu tố làm tăng nguy cơ viêm dạ dày bao gồm
– Tình trạng nhiễm khuẩn: Mặc dù nhiễm khuẩn Helicobacter pylori là nguyên nhân gây nhiễm khuẩn hàng đầu trên thế giới, chỉ một số bệnh nhân nhiễm khuẩn này phát triển thành viêm dạ dày hoặc các rối loạn ở đường tiêu hoá cao. Tuy nhiên theo BS Hiền, nhiều nhà chuyên môn thường tin việc nhiễm vi khuẩn do truyền từ mẹ hoặc do lựa chọn lối sống như hút thuốc hoặc ăn kiêng.
– Tình trạng sử dụng các thuốc giảm đau thường xuyên có nguy cơ cao viêm dạ dày. Theo BS Hiền thông thường các thuốc giảm đau như aspirin, ibuprofen và naproxen có thể gây viêm dạ dày cấp hoặc mạn tính. Dùng giảm đau thường xuyên hoặc uống nhiều gây giảm khả năng bảo vệ niêm mạc dạ dày.
Ngoài ra, việc sử dụng rượu quá mức cũng là yếu tố nguy cơ cao vì rượu có thể kích thích hoặc bào mòn lớp bảo vệ dẫn tới niêm mạc dễ bị tác dụng của dịch vị. Khi dùng rượu số lượng lớn sẽ gây viêm dạ dày.
Hoặc tình trạng stress mạnh như sau phẫu thuật, chấn thương, bỏng và nhiễm trùng nặng có thể gây nên viêm dạ dày cấp.
Bên cạnh đó, theo BS Hiền khi tuổi cao lớp bảo vệ niêm mạc sẽ mỏng hơn dẫn tới dễ viêm dạ dày hơn do khi cao tuổi dễ nhiễm vi khuẩn HP và rối loạn hệ tự miễn hơn người trẻ. Ở một tỷ lệ nhất định yếu tố viêm dạ dày còn do bản thân cơ thể có thể chống lại chính tế bào dạ dày. Giải thích về vấn đề này, BS Hiền cho rằng viêm dạ dày tự miễn là do cơ thể tự sinh ra chất chống lại các tế bào tạo chất bảo vệ niêm mạc dạ dày. Phản ứng này có thể gây mất lớp bảo vệ niêm mạc. Viêm dạ dày tự miễn hay gặp ở bệnh nhân có rối loạn tự miễn, bệnh Hasshimoto hoặc tiểu đường type I. Viêm dạ dày tự miễn có thể liên quan tới thiếu hụt vitamin B 12.
Viêm dạ dày còn có thể xuất hiện với các bệnh cảnh như HIV/AIDS. Bệnh Crohn, bệnh nhiễm ký sinh trùng.
Biểu hiện viêm dạ dày
Theo BS Hiền khi viêm dạ dày, người bệnh có cảm thấy đầy bụng, nóng rát vùng trên rốn. Các triệu chứng này có thể đỡ đi hoặc nặng lên khi ăn.
Xuất hiện tình trạng buồn nôn, nôn, cảm giác chướng bụng vùng thượng vị. Tuy nhiên, BS cảnh báo, đôi khi viêm dạ dày cũng không có biểu hiện triệu chứng.
Trên thực tế, hầu như khá nhiều người đều mắc chứng khó tiêu và dạ dày kích thích. Phần lớn mọi người mắc chứng khó tiêu thoáng qua và không cần dùng thuốc. Hãy gặp bác sĩ khi các dấu hiệu và triệu chứng kéo dài hơn một tuần. Hãy thông tin cho bác sĩ về tình trạng khó chịu ở dạ dày sau khi dùng thuốc hoặc dùng thuốc kéo dài đặc biệt là các thuốc giảm đau như Aspirin. Nếu như nôn máu, có máu trong phân hay phân như bã cà phê hoặc nhựa đường cần khám bác sĩ ngay, BS Hiền cảnh báo.
Khi bị viêm dạ dày cấp các chuyên gia cho rằng điều này sẽ khiến cho sinh hoạt và công việc của người bệnh bị đảo lộn. Người bệnh không ăn uống được, nôn mửa nhiều, sốt cao, mất điện giải (muối natri hoặc muối kali), khiến cơ thể rất mệt mỏi, tay chân yếu, rối loạn nhịp tim. Một số trường hợp nghiêm trọng, viêm dạ dày cấp tính có thể gây xuất huyết. Dạ dày bị chảy máu từ những chỗ bị trầy xước tổn thương nặng trong niêm mạc. Người bệnh có biểu hiện là đi cầu phân đen và có thể nôn ra máu.
Theo BS Hiền, tuy viêm dạ dày cấp không gây ra ung thư nhưng trong một số trường hợp viêm dạ dày dẫn tới loét và là yếu tố tăng nguy cơ ung thư. Và thường những tổn thương viêm dạ dày mạn tính mới có nguy cơ gây ra ung thư. Nhưng tùy theo tổn thương loạn sản hay tổn thương dị sản ở các mức độ, cấp độ thế nào mà các nguy cơ mắc bệnh khác nhau. Ví dụ như tổn thương teo dạ dày cấp độ nặng có thể dẫn tới sự hình thành khối u lành tính hoặc ác tính trong dạ dày. Vì vậy, người bệnh cần được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời.
Tuy vậy, viêm dạ dày cấp hoàn toàn có thể chữa trị được triệt để. Nếu người bệnh loại bỏ được các căn nguyên (stress, chế độ ăn uống không khoa học hoặc sử dụng thuốc men) thì việc khắc phục tổn thương viêm cấp khá đơn giản.
Theo: suckhoedoisong.vn
Ung thư hay các bệnh hiểm nghèo khác không phải là dấu chấm hết, nhưng với điều kiện là phát hiện sớm. Vì thế, các chuyên gia y tế khuyến khích người dân có chế độ ăn uống lành mạnh, thể dục thể thao hợp lý và gặp gỡ bác sĩ để được tư vấn danh mục khám định kỳ phù hợp dựa trên nhu cầu riêng, độ tuổi, giới tính, tiền sử gia đình, tiền sử bản thân, chế độ sinh hoạt, thói quen ăn uống, các vấn đề sức khỏe hiện tại.