Các giai đoạn sớm của ung thư phổi cần biết

Ung thư phổi là một trong những bệnh ung thư nguy hiểm nhất và có số ca mắc mới và tử vong tăng cao hàng năm trên toàn thế giới và tại Việt Nam.

Các giai đoạn sớm của ung thư phổi 

Ung thư phổi gây tổn hại nghiêm trọng đến hệ hô hấp và các cơ quan trong cơ thể, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tinh thần của người bệnh, đe dọa tính mạng.

Năm 2020, ung thư phổi là một trong hai loại ung thư mắc nhiều nhất ở cả hai giới trên toàn thế giới. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), năm 2020 có khoảng 2,21 triệu ca mắc mới ung thư phổi trên toàn thế giới, chiếm khoảng 11,4% tổng số ca mắc mới ung thư trên thế giới. Trong số này, có hơn 1,8 triệu ca tử vong do ung thư phổi, chiếm khoảng 18,0% tổng số ca tử vong do ung thư trên thế giới.

Phát hiện và điều trị kịp thời ung thư phổi giai đoạn sớm trước khi bệnh di căn xa - Ảnh 1.

Ung thư phổi gây tổn hại nghiêm trọng đến hệ hô hấp và các cơ quan trong cơ thể

Ở Việt Nam, theo thống kê của Bộ Y tế, trong năm 2020 có hơn 26.000 ca mắc mới ung thư phổi và gần 24.000 ca tử vong do bệnh này. Tỉ lệ mắc ung thư phổi ở Việt Nam cũng đang tăng lên theo thời gian và đang trở thành một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng đối với người dân.

Ung thư phổi bắt đầu từ sự chuyển dạng từ tế bào biểu mô bình thường ở phổi thành tế bào ung thư, sau đó hình thành các nốt và lớn dần thành khối u. Khi khối u này đạt 1cm, đã có hơn 1 tỷ tế bào ung thư.

BSCKI. Hồ Việt Dũng – Bệnh viện U bướu Đà Nẵng cho biết hiện nay với nhiều tiến bộ vượt bậc của khoa học ứng dụng trong y khoa, hoàn toàn không khó để chẩn đoán sớm bệnh ung thư phổi, nhất là khi khối u còn rất nhỏ và chưa di căn xa. Điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng vì mang lại cơ hội điều trị khỏi cho nhiều bệnh nhân. Bởi khi bệnh ung thư phổi đã ở giai đoạn tiến triển, việc điều trị và chữa trị sẽ khó khăn và đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn.

Giai đoạn sớm, theo thống nhất của các Hiệp hội Ung thư trên thế giới hiện nay, là giai đoạn I và giai đoạn II. Lựa chọn điều trị tối ưu sẽ là phẫu thuật, với các trường hợp giai đoạn IB với khối u trên 4cm và giai đoạn II sẽ cần có thêm hóa trị bổ trợ sau phẫu thuật nhằm tăng khả năng diệt sạch các tế bào ung thư dạng vi thể để có hiệu quả điều trị tốt nhất. Tỉ lệ sống trung bình sau 5 năm từ trong khoảng 70%.

Còn phương pháp xạ trị định vị thân SBRT (Stereotactic Body Radiation Therapy) thường được sử dụng để điều trị ung thư phổi ở những bệnh nhân không đáp ứng được điều trị phẫu thuật, đặc biệt là ở giai đoạn sớm với khối u nhỏ, dưới 5 cm và không có di căn hạch.

Cách chẩn đoán ung thư phổi ở giai đoạn sớm

Theo BS Hồ Việt Dũng, các phương tiện chẩn đoán ung thư phổi giai đoạn sớm gồm:

X-quang phổi thẳng – nghiêng: Thường được dùng để kiểm tra sơ bộ tình trạng tim phổi bệnh nhân ở mức cơ bản. Trên phim X-quang thường quy có thể phát hiện các tổn thương khối u có kích nhỏ dạng nốt đơn độc với kích thước 1 cm, trên cơ sở đó áp dụng các kỹ thuật chuyên sâu hơn giúp chẩn đoán xác định.

Chụp cắt lớp vi tính (CT–scan): CT-scan là một trong những phương pháp chẩn đoán chính xác và hiện đại trong việc phát hiện bệnh ung thư phổi, đặc biệt là trong giai đoạn sớm. Kỹ thuật này có thể tạo ra các hình ảnh chi tiết và 3D của phổi, cho phép nhìn rõ hơn các khối u và vị trí của chúng. Ngoài ra, CT-scan cũng có thể phát hiện được các vị trí di căn từ ung thư phổi sang các cơ quan khác trong cơ thể. Khi phát hiện sớm, tỉ lệ sống sót của bệnh nhân ung thư phổi sẽ tăng lên đáng kể.

Nội soi phế quản bằng ánh sáng huỳnh quang: Ứng dụng phương pháp nội soi để phát hiện sớm ung thư phổi bằng cách phát hiện sớm các tổn thương niêm mạc phế quản qua đó sinh thiết xác định có tế bào ung thư hay không, đặc biệt những trường hợp ung thư biểu mô tại chỗ (carcinoma in situ ).

Nội soi phế quản sử dụng nguồn sáng NBI: NBI (Narrow Band Imaging) là một công nghệ mới trong phương pháp nội soi phế quản, được áp dụng để tăng cường khả năng nhìn thấy mao mạch và các cấu trúc khác trên bề mặt niêm mạc phế quản. Khi kết hợp với sinh thiết tại chỗ, NBI có thể giúp chẩn đoán ung thư phổi ở giai đoạn sớm và đưa ra kế hoạch điều trị sớm, từ đó cải thiện tiên lượng sống của bệnh nhân.

Xạ hình xương: Dùng để khảo sát nguy cơ ung thư di căn đến các vị trí xương trong cơ thể.

Các chất chỉ điểm u: Các chất chỉ điểm u như SCC, CEA, Cyfra 21-1, Pro –GRP, NSE trong máu tăng đóng vai trò tham chiếu định hướng đến ung thư phổi.

Tầm soát ung thư định kỳ và kiểm tra sức khỏe định kỳ là những biện pháp quan trọng giúp phát hiện sớm bệnh ung thư và các bệnh lý khác. Người dân nên thường xuyên đi khám sức khỏe định kỳ, đặc biệt là những người có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư như người hút thuốc, người có tiền sử bệnh lý ung thư trong gia đình, người tiếp xúc với các tác nhân gây ung thư như bụi mịn, hóa chất độc hại,…

Ngoài ra, những triệu chứng bất thường như ho, khó thở, đau ngực, khó nuốt, thay đổi giọng nói,… cũng là dấu hiệu cần phải được chú ý và khám sàng lọc bệnh ung thư phổi.

Việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ cải thiện nhiều khả năng sống sót và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân ung thư phổi.

Theo: suckhoedoisong.vn

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *