Cắt toàn bộ tuyến giáp có sống được không?

Tôi bị bướu cổ ác tính, phải phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp. Tôi có thể sống mà không có tuyến giáp không? (Thanh Vũ, Ninh Thuận).

Trả lời:

Tuyến giáp gồm hai thùy trái và phải, nằm ở phía trước cổ, dưới thanh quản và trên khí quản. Tuyến giáp tạo ra các hormone có vai trò điều chỉnh sự trao đổi chất, tăng trưởng. Bướu cổ ác tính (ung thư tuyến giáp) xảy ra khi các tế bào trong tuyến giáp phát triển đột biến, khiến chúng nhân lên nhanh chóng, giết chết các tế bào khỏe mạnh và tích tụ thành khối u.

Phẫu thuật là phương pháp điều trị đầu tiên đối với hầu hết các loại ung thư tuyến giáp. Tùy vào tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ phẫu thuật loại bỏ tất cả hoặc một phần tuyến giáp, các tuyến bạch huyết gần đó. Tuyến giáp không phải cơ quan có thể tự tái tạo (như gan) nhưng con người vẫn có thể sống mà không cần đến nó.

Trường hợp chỉ cắt một thùy tuyến giáp, thùy còn lại vẫn hoạt động nên người bệnh chỉ cần dùng hormone bổ sung tuyến giáp trong thời gian đầu. Khi cắt cả hai thùy tuyến giáp, cơ thể không còn sản xuất hormone tuyến giáp nên người bệnh cần uống thuốc thay thế hormone này suốt đời để ngăn các triệu chứng: mệt mỏi, tăng cân, sụt cân, khô da… Đôi khi, các tuyến cận giáp điều chỉnh nồng độ canxi trong máu có thể bị ảnh hưởng trong quá trình phẫu thuật. Người bệnh phải bổ sung canxi cho đến khi các tuyến cận giáp hoạt động bình thường trở lại.

Hầu hết người bệnh thích nghi tốt với việc cắt bỏ tuyến giáp. Tình trạng tăng cân sau phẫu thuật là bình thường nhưng với sự can thiệp thay thế hormone và lối sống phù hợp, hầu hết người bệnh đều giảm được số cân thừa.

Người cắt bỏ tuyến giáp phải dùng thuốc bổ sung hormone tuyến giáp. Ảnh: Freepik

Người cắt bỏ tuyến giáp phải dùng thuốc bổ sung hormone tuyến giáp. Ảnh: Freepik

Bướu cổ ác tính có thể chữa khỏi nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm. Khám tầm soát sức khỏe định kỳ giúp phát hiện sớm những bất thường và điều trị. Người có biểu hiện liên quan đến bệnh cường giáp, sụt cân nhanh không rõ nguyên nhân, đổ mồ hôi, nhịp tim nhanh, mệt mỏi, kích ứng mắt, thường xuyên đi tiêu hoặc tiêu chảy nên khám tại khoa nội tiết – đái tháo đường để được chẩn đoán, xét nghiệm đánh giá chức năng tuyến giáp.

Ăn uống cân bằng gồm trái cây, rau, đậu, các loại hạt, hải sản, cá, các loại dầu thực vật, các loại hạt, bơ… giúp duy trì tuyến giáp khỏe mạnh. Thực phẩm chế biến sẵn, chứa đường, chất bảo quản, phẩm màu… cần hạn chế. Các loại rau họ cải như súp lơ, bắp cải, cải xoăn, su hào, cải xoong, cải thìa có thể chứa nhiều chất dinh dưỡng như vitamin C và folate (vitamin B9). Tuy nhiên, ăn sống nhiều loại rau này có thể gây rối loạn tuyến giáp. Mọi người nên ăn đủ lượng iốt hàng ngày. Khoáng chất selen (có trong các thực phẩm thịt, cá, hàu, trứng, phô mai), vitamin D, probiotic… có tác dụng hỗ trợ cải thiện sức khỏe tuyến giáp.

Hạn chế tiếp xúc những chất độc từ môi trường bên ngoài, nhất là nhóm chất ô nhiễm hữu cơ bền vững perfluorinated (PFC), giúp hạn chế nguy cơ phát triển bệnh tuyến giáp. PFC thường có ở những đồ vật như: thảm, vải chống thấm nước, dụng cụ nấu chống dính, sản phẩm làm từ da.

Theo: vnexpress.net

Ung thư hay các bệnh hiểm nghèo khác không phải là dấu chấm hết, nhưng với điều kiện là phát hiện sớm. Vì thế, các chuyên gia y tế khuyến khích người dân có chế độ ăn uống lành mạnh, thể dục thể thao hợp lý và gặp gỡ bác sĩ để được tư vấn danh mục khám định kỳ phù hợp dựa trên nhu cầu riêng, độ tuổi, giới tính, tiền sử gia đình, tiền sử bản thân, chế độ sinh hoạt, thói quen ăn uống, các vấn đề sức khỏe hiện tại.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *