Đâu là dấu hiệu sớm của ung thư đại trực tràng?

Mỗi năm ở Việt Nam ghi nhận gần 16.000 ca mắc mới và hơn 8.200 ca tử vong vì ung thư đại trực tràng. Phát hiện và điều trị sớm tỉ lệ khỏi bệnh 90%, nhưng những năm trước đây số ca bệnh được phát hiện sớm không nhiều.

Bác sĩ Hà Hải Nam thăm khám cho bệnh nhân - Ảnh: BSCC

Hàng trăm khối u trong lòng đại tràng Bác sĩ Hà Hải Nam, Bệnh viện K, cho biết bác sĩ thường xuyên được người nhà bệnh nhân ung thư hỏi: ung thư đại trực tràng có phải bệnh di truyền không? Thực tế bác sĩ gặp rất nhiều gia đình các bệnh nhân, ông bà, bố mẹ, anh chị em trong gia đình bị ung thư đại trực tràng, đặc biệt có những bệnh nhân còn rất trẻ.

Đó là trường hợp trẻ trai 12 tuổi, có tiền sử táo bón từ rất sớm. Theo mẹ bệnh nhi, từ lúc em khoảng 7-8 tuổi đã xuất hiện đau bụng nhưng siêu âm kết quả bình thường. Tới 12 tuổi, các cơn đau xuất hiện nhiều và bệnh nhi đi ngoài lẫn máu. Bệnh nhi được nội soi, kết quả nghi ngờ ung thư nên đã được chuyển tới Bệnh viện K điều trị.

Tại Bệnh viện K, bệnh nhi được chẩn đoán mắc ung thư đại tràng trái và có chỉ định phẫu thuật. Sau đó, bệnh nhi phải điều trị hóa chất.

Khai thác tiền sử gia đình bệnh nhi có bác, ông nội đã mắc ung thư đại trực tràng và mất sớm.

Một trường hợp khác là bệnh nhân nam 17 tuổi. Bệnh nhân có triệu chứng đi ngoài ra máu nên được bố mẹ đưa đi khám. Không may cho trường hợp người bệnh này, ở thời điểm phát hiện, ung thư trực tràng đã di căn gan.

Khối u của bệnh nhân khá lớn, nguy cơ bán tắc ruột. Sau phẫu thuật, bệnh nhân phải truyền hóa chất. Bệnh nhân này cũng có yếu tố gia đình: bố bệnh nhân mất sớm do mắc ung thư đại trực tràng. Anh trai bệnh nhân cũng mắc ung thư đại trực tràng, thời điểm phát hiện bệnh của anh trai bệnh nhân là khi mới 28 tuổi.

Theo bác sĩ Hà Hải Nam, ung thư đại trực tràng là căn bệnh có tỉ lệ di truyền rất cao trong số các bệnh ung thư. Ung thư đại trực tràng có yếu tố gia đình thường gặp ở người có bệnh lý đa polyp và người mắc hội chứng Lynch.

Với đa polyp di truyền yếu tố gia đình, tỉ lệ di truyền cho thế hệ sau lên tới 80%. Những trường hợp này, nguy cơ ung thư hóa từ tuổi 40 trở đi gần như là 100% nếu không được phát hiện sớm điều trị dự phòng.

Có thể phòng bệnh bằng thay đổi lối sống?

Ung thư đại trực tràng là một trong những bệnh ung thư phổ biến trên thế giới, đứng thứ 3 về tỉ lệ mắc và đứng thứ tư về tỉ lệ tử vong ở cả hai giới.

Theo Tổ chức Ung thư thế giới năm 2020, ước tính mỗi năm có trên 1,9 triệu người bị mắc và khoảng 935.000 người chết vì ung thư đại tràng. Còn theo thống kê của Globocan 2020, Việt Nam ghi nhận gần 16.000 ca mắc mới và hơn 8.200 ca tử vong vì căn bệnh này.

Không chỉ có tỉ lệ mắc và tử vong cao mà ung thư đại tràng còn ngày càng có xu hướng trẻ hóa. Theo thống kê của Liên hiệp Vương quốc Anh và 19 nước châu Âu, từ năm 2005, số ca mắc ung thư đại trực tràng ở độ tuổi 40-50 tăng 1,4% mỗi năm.

Đến giai đoạn 2008-2016, tỉ lệ mắc ung thư đại tràng ở độ tuổi 20-39 đã tăng 7,4% (tăng nhiều nhất là nhóm từ 20-29 tuổi), tỉ lệ ung thư trực tràng của cùng độ tuổi cũng tăng 1,8% mỗi năm từ năm 1990.

Lối sống quyết định hoặc ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe, trong đó có nguy cơ bệnh tật. Theo nghiên cứu, nếu chúng ta có lối sống không lành mạnh thì có thể tăng nguy cơ ung thư đại tràng, cụ thể.

– Nếu chúng ta có chế độ ăn có nhiều mỡ và thịt đỏ, hoặc thịt chế biến sẵn, ăn ít chất xơ có thể tăng nguy cơ ung thư đại tràng.

– Lối sống tĩnh tại, ít vận động, không hoạt động luyện tập thể thao.

– Thói quen có hại như hút thuốc lá, thuốc lào.

– Thói quen lạm dụng các chất kích thích trong đó có rượu bia.

– Người béo phì.

Phát hiện sớm, sống dài lâu

Bác sĩ Nguyễn Văn Dũng, trưởng khoa ung bướu Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh), cho biết ung thư đại trực tràng nếu phát hiện ở giai đoạn sớm thì tỉ lệ được chữa khỏi lên tới 90% (tỉ lệ sống sau 5 năm đến 92% đối với ung thư đại tràng, 87% với ung thư trực tràng).

Có bệnh nhân đã sống khỏe mạnh hơn 20 năm sau khi phát hiện bệnh. Tuy nhiên ở nước ta, khoảng 50% ca ung thư đại trực tràng tử vong, chỉ 30% được chẩn đoán sớm.

Tiên lượng sống sau 5 năm ở người bị ung thư tùy thuộc vào giai đoạn bệnh:

– Giai đoạn 0 và giai đoạn 1: Được xem là giai đoạn rất sớm của bệnh và có tỉ lệ chữa khỏi cao. Sau phẫu thuật, 94% số bệnh nhân sẽ sống được sau 5 năm.

– Giai đoạn 2: Khoảng 1/4 (24%) số người bị ung thư đại tràng được chẩn đoán ở giai đoạn này. Tùy thuộc vào các yếu tố khác nhau, sau khi phẫu thuật, hơn 3/4 (lên đến 82%) người bệnh có thể sống trên 5 năm.

– Giai đoạn 3: Khoảng 23% số người bệnh được chẩn đoán ở giai đoạn này. Tiên lượng phụ thuộc vào số lượng các hạch bạch huyết có chứa tế bào ung thư. Sau khi phẫu thuật, gần 1/2 người bệnh (67%) sẽ sống ít nhất 5 năm.

– Giai đoạn 4: Khoảng 9% số người mắc ung thư đại tràng đã lan sang các cơ quan khác tại thời điểm chẩn đoán. Đối với giai đoạn này, tỉ lệ sống thấp, chỉ có khoảng 11% số người bệnh sẽ sống ít nhất 5 năm sau khi được chẩn đoán.

Để phòng ngừa và phát hiện sớm ung thư đại trực tràng cần thay đổi lối sống lành mạnh, xây dựng chế độ ăn uống hợp lý và tầm soát ung thư định kỳ.
 
Tầm soát ung thư đại trực tràng bằng nội soi đóng vai trò quan trọng. Đối với những người không có nguy cơ cao nên bắt đầu sàng lọc ở lứa tuổi 50. Đối với những người có nguy cơ cao, tiền sử gia đình có người mắc bệnh, nên bắt đầu sàng lọc từ độ tuổi trẻ.

Theo: tuoitre.vn

Ung thư hay các bệnh hiểm nghèo khác không phải là dấu chấm hết, nhưng với điều kiện là phát hiện sớm. Vì thế, các chuyên gia y tế khuyến khích người dân có chế độ ăn uống lành mạnh, thể dục thể thao hợp lý và gặp gỡ bác sĩ để được tư vấn danh mục khám định kỳ phù hợp dựa trên nhu cầu riêng, độ tuổi, giới tính, tiền sử gia đình, tiền sử bản thân, chế độ sinh hoạt, thói quen ăn uống, các vấn đề sức khỏe hiện tại.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *