Tiềm năng từ vaccine ung thư vú

Vaccine ung thư vú huấn luyện hệ miễn dịch nhận biết và tiêu diệt tế bào ung thư, khiến bệnh không tái phát.

Nhiều năm liền, việc tìm ra phương pháp chữa khỏi bệnh ung thư đã trở thành điều thiêng liêng trong y khoa. Trừ hai loại vaccine ngừa ung thư duy nhất hiện có là vaccine virus HPV (phòng ung thư cổ tử cung) và vaccine viêm gan B, thế giới chưa ghi nhận thêm quá nhiều thành tựu.

Tuy nhiên, loại vaccine ung thư vú trong quá trình thử nghiệm mới đây có thể trở thành bước ngoặt trong ngăn ngừa và điều trị căn bệnh này. Vaccine ngăn sự tái phát của bệnh ung thư vú bộ ba âm tính đặc biệt khó điều trị, chiếm khoảng 10-15% trong tổng số ca ung thư vú. Nguyên nhân là các tế bào ung thư không có thụ thể estrogen, progesterone hoặc protein HER2. Đây là những mục tiêu mà các nhà khoa học thường nhắm đến để điều trị hiệu quả ung thư vú.

Vaccine hoạt động bằng cách huấn luyện hệ miễn dịch nhận biết alpha-lactalbumin, một loại protein có lợi thường có trong sữa mẹ . Trong các mô khỏe mạnh, protein này chỉ được tạo ra trong thời kỳ cho con bú.

“Nếu phụ nữ không cho con bú, trường hợp duy nhất alpha-lactalbumin xuất hiện là ung thư”, Amit Kumar, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Anixa Biosciences, công ty được cấp phép tạo ra vaccine ung thư vú, giải thích.

Ông giải thích vaccine giúp hệ miễn dịch xác định và tấn công các tế bào ung thư mới nổi bằng cách nhắm mục tiêu vào alpha-lactalbumin. Ở phụ nữ sau sinh, vaccine đem lại sự bảo vệ an toàn, hiệu quả chống ung thư vú.

Vaccine đang được thử nghiệm lâm sàng tại Mỹ, dựa trên nghiên cứu do nhà khoa học Vincent Tuohy tiến hành. Jennifer Davis, y tá 46 tuổi, một bà mẹ ba con sống tại Ohio, là người đầu tiên được tiêm thử. Bà được chẩn đoán mắc ung thư vú bộ ba âm tính vào tháng 9/2018, bắt đầu điều trị tại Phòng khám Cleveland ngay sau đó. Bà cần phẫu thuật cắt bỏ cả hai bên vú, làm một số đợt hóa trị, xạ trị.

Minh họa khối u ung thư vú phát triển. Ảnh: Cleveland Clinic

Minh họa khối u ung thư vú phát triển. Ảnh: Cleveland Clinic

Davis biết về cuộc thử nghiệm trong một cuộc hẹn tái khám. Bác sĩ thông báo cơ thể bà không đáp ứng nhiều loại thuốc, gồm tamoxifen (một liệu pháp hormone), khả năng tái phát rất cao. Bà quyết định tham gia thử nghiệm lâm sàng kể từ tháng 10/2021.

“Nhóm chăm sóc của tôi đã thông báo về loại vaccine mà tiến sĩ Tuohy nghiên cứu trong thời gian dài. Tôi cho rằng đây là điều may mắn”, bà nói.

Ngoài ra, với tư cách là một y tá, Davis hiểu rằng các thử nghiệm lâm sàng rất quan trọng đối với y khoa và cuộc chiến chống căn bệnh ung thư.

Sau khi tham gia thử nghiệm cùng 15 phụ nữ khác, bà được tiêm ba mũi vaccine, mỗi mũi cách nhau hai tuần. Bà không gặp bất kỳ tác dụng phụ nào, ngoại trừ sưng cục ở vùng tiêm, giống với bất kỳ loại vaccine nào khác.

Liều vaccine cuối cùng được thực hiện vào tháng 11/2021. Đến nay, bệnh ung thư vẫn chưa quay lại với bà.

“Nó thay đổi cuộc đời tôi. Tôi không còn nghĩ đến việc tái phát ung thư mỗi ngày nữa”, bà tâm sự.

Điều này quan trọng, bởi thông thường, với các bệnh nhân ung thư, kết quả chẩn đoán như một nhãn dán mà họ luôn mang theo về mặt tinh thần. Bà cũng cho rằng việc tiêm vaccine có nhiều ý nghĩa đối với phụ nữ mắc bệnh ung thư bộ ba âm tính.

Theo: vnexpress.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *